Chúng tôi về thăm Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, khi mà tỉnh đang tập trung chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh Bến Tre (1-1-1900 - 1-1-2025); 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2025); Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre 17-1; tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Công dân Đồng Khởi tiêu biểu” và “Công dân Đồng Khởi danh dự” tỉnh Bến Tre lần thứ tư năm 2025.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: tư liệu
Nữ tướng Nguyễn Thị Định (bà Ba Định) sinh năm 1920, trong một gia đình có truyền thống cách mạng của xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Là con út nhưng do thể trạng yếu đuối vì căn bệnh hen suyễn, trường học xa nhà, vậy là bà ở nhà học chữ với anh thứ ba, anh Chẩn. Chính “người thầy” ấy đã sớm đưa bà đi theo con đường cách mạng. Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938), bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích - Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, được không bao lâu thì chồng bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà nhân lên gấp bội. Bất chấp con còn nhỏ, gửi lại mẹ chăm sóc, bà thoát ly tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, bà bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm tù cũng là ba năm bà hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất. Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8-1945. Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó tên tuổi của bà gắn với “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Đồng bào biểu tình tràn vào Thị xã Bến Tre, đấu tranh chống chế độ độc tài của ngụy quyền, đòi dân sinh dân chủ. Ảnh: tư liệu
Đoàn đấu tranh chính trị kéo vào thị trấn Mỏ Cày. Ảnh: tư liệu
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ - Diệm ác liệt, với Luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch truy tìm quyết liệt, chúng còn treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Nhưng chúng đã không làm gì được bà vì bà luôn thay hình đổi dạng, có lúc giả làm thầy tu, thương buôn, lúc làm nông dân… và luôn được sự đùm bọc của những gia đình cơ sở cách mạng, của những người mẹ, người chị để qua mắt kẻ địch. Thắng lợi to lớn của phong trào Đồng khởi Bến Tre (17-1-1960) đã trở thành biểu tượng kháng chiến kiên cường bất khuất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng, sang thế tấn công, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng khởi Bến Tre còn thể hiện rõ phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của “Đội quân tóc dài”.
Bà Nguyễn Thị Định chụp ảnh cùng chị em phụ nữ tỉnh Bến Tre. Ảnh: tư liệu
Năm 1961, bà được bầu làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng “Đội quân tóc dài”, làm cho quân thù vô cùng run sợ. Thượng tướng Trần Văn Trà từng nói bà là người “Có tài thao lược, ý chí cao, nghệ thuật điều hành của Đội quân tóc dài, vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp và đã đem lại chiến thắng vẻ vang”.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Năm 1965, bà được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam và được giao giữ chức Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam đến năm 1975.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định cùng đoàn Đại sứ Cuba thăm xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ngày 2-1-1986. Ảnh: tư liệu
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, bà Nguyễn Thị Định giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định và bà Melba Hermandez cùng bà Vilma Espin - Chủ tịch Phụ nữ Cuba, tháng 7-1974. Ảnh: tư liệu
Bên cạnh đó, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là sự nghiệp đổi mới đất nước, bà quan hệ và làm việc với nhiều nước trên thế giới. Những hoạt động đối ngoại năng động, giàu nhiệt tình và sáng tạo của bà có sức chinh phục mạnh mẽ trái tim của nhiều bè bạn quốc tế. Bà nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới trao tặng.
Học sinh, sinh viên và khách quốc tế đến tham quan tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Ảnh: Ánh Nguyệt - Thanh Đồng
Để tri ân công lao đóng góp của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30-8-1995, bà được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. GS Trần Văn Giàu nói “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Đúng vậy, đền thờ bà đã được xây dựng và khánh thành vào ngày 20-12-2003 để nhân dân đến viếng và thắp hương tưởng niệm. Tiếp đến, ngày 8-4-2007, Bộ Quốc phòng đã tặng tượng đồng chân dung Nữ tướng (cao 1,75m, nặng 1,025kg) trong trang phục áo bà ba, khăn rằn quấn cổ đặt tại đền thờ.
Dành phút mặc niệm để tưởng nhớ đến vị Nữ tướng tài ba, người lãnh đạo thành công phong trào Đồng khởi năm xưa, người góp phần lãnh đạo và xây dựng nên “Đội quân tóc dài huyền thoại” và sáng tạo nên phương thức đấu tranh 3 mũi giáp công “binh vận, chính trị kết hợp vũ trang”.
Bà Nguyễn Thị Định nói chuyện thân mật với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ 2 (9-1967). Ảnh: Tư liệu
Có thể nói, chưa có người phụ nữ nào được vinh dự nhận lấy sự tín nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân như bà Nguyễn Thị Định. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Năm 1982, bà được bầu Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, năm 1986, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Nhân dân Hát Môn, Hà Tây đã rước bát hương thờ bà Nguyễn Thị Định về thờ trong khu đền Hai Bà Trưng với niềm tự hào, ngưỡng mộ về một nữ tướng thời đại Hồ Chí Minh. Ở Cuba, có một làng mang tên Nguyễn Thị Định. Tên của bà được nhiều phụ nữ trên thế giới hâm mộ.
Bà Nguyễn Thị Định với các nữ chiến sĩ quân giải phóng. Ảnh: tư liệu
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với tên tuổi gắn liền cùng sự ra đời và trưởng thành của Đội quân tóc dài Bến Tre. Ảnh: tư liệu
Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, bà Ba Định có mặt ở hầu hết các chiến trường. Bà luôn đồng cam cộng khổ với đồng chí, đồng bào. Dường như ở những khúc quanh lịch sử, bà thường lãnh trách nhiệm đi đầu. Điều này được chứng minh ở chỗ, sau khởi nghĩa thắng lợi năm 1945, đến tháng 3-1946, cô Ba được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng, Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam Bộ và xin vũ khí chi viện. Năm ấy cô mới 26 tuổi, thế nhưng bằng lòng quả cảm, trí thông minh, cô Ba đã cùng đồng chí của mình khéo léo vượt trùng dương đưa 12 tấn vũ chi viện cho miền Nam một cách an toàn. Và từ đó, tên tuổi của cô Ba gắn liền với con đường huyền thoại - “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ thứ 15, tháng 1-1959.
Không dừng lại, bà Ba Định còn là linh hồn của phong trào Đồng khởi. Tình hình miền Nam từ giữa năm 1959 bắt đầu rơi vào khủng hoảng kéo dài. Giữa lúc ấy, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích những đặc điểm tình hình và xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam. Cô Ba sau khi được quán triệt Nghị quyết 15, trở về cùng lãnh đạo Tỉnh ủy triệu tập Hội nghị cán bộ vào đêm mùng 2-1-1960 tại Mỏ Cày. Tại đây, cô Ba và đồng chí mình bàn kế hoạch phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm. Trong cô Ba, ý nghĩ “Đồng khởi” được liên tưởng từ cuộc khởi nghĩa đồng loạt trong cách mạng Tháng Tám, phải nhất tề nổi dậy mới thắng được.
“Đội quân tóc dài” đi biểu tình đòi Ngụy quyền chấm dứt việc bắt thanh niên đi lính, đòi quân đội Mỹ - Diệm chấm dứt khủng bố. Ảnh: tư liệu
Bằng tài quân sự thấu đáo của Ban tham mưu mà người chỉ huy trực tiếp là bà Nguyễn Thị Định. Phong trào “Đồng khởi bùng nổ trên đất Mỏ Cày đêm 17-1-1960 theo tinh thần Nghị quyết 15 của Trung ương thắng lợi đã mở ra một cục diện mới trong đấu tranh cách mạng ở miền Nam. Thành công và ý nghĩa lịch sử to lớn này là kết quả đúc kết bằng máu xương, máu xương, sinh mạng của hàng vạn người yêu nước cộng với trí tuệ lãnh đạo của Đảng, trong đó công đầu là bà Ba Định. Và chính từ đây, tên tuổi bà gắn liền với danh đội quân tóc dài với phương châm đấu tranh “ba mũi giáp công”.
Bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn Đại sứ nước Cộng hòa Cuba trên thuyền về thăm xã Lương Hòa - Làng Moncada, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, năm 1986. Ảnh: tư liệu
Sau Đồng khởi thắng lợi, bà Ba Định được cử làm Bí thư Tỉnh ủy rồi Khu ủy viên Khu 8, Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ miền Nam. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, bà về Hà Nội công tác với nhiều cương vị khác nhau. Trên cương vị nào bà cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhận định tài thao lược cuả bà, bạn bè quốc tế không ít lời khen ngợi. Trong mắt họ, bà Ba Định luôn hiển hiện là người phụ nữ đẹp, tài ba và đôn hậu. Ở Cuba có hẳn ngôi làng mang tên Nguyễn Thị Định. Bà Valentina Nicolacva Te1rchova - Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Liên Xô từng nói “Ở Liên xô nhân dân chúng tôi biết rõ về chị là chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh giải phóng dân tộc, người lãnh đạo phong trào phụ nữ Việt Nam”. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.
Ngày 27-11-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg lấy ngày 17-1 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre”. Đây là quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giúp mọi người hiểu đầy đủ về lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Bến Tre.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến về việc định hướng ngày thành lập, ngày truyền thống tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Tại Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Lấy ý kiến về việc định hướng ngày thành lập, ngày truyền thống tỉnh và việc tổ chức các lễ hội cấp tỉnh ở Bến Tre”, tham luận của các đơn vị cũng như chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, cán bộ hưu trí của tỉnh cũng đã nêu rõ ý kiến đề xuất việc chọn ngày 17-1 làm ngày truyền thống tỉnh Bến Tre.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Huệ - Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ nêu trong tham luận hội thảo, theo Nghị định số 111/2018/NĐ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc “Quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương”, “ngày truyền thống là ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ, quá trình hình thành hoặc phát triển được ghi nhận, có tính kế thừa, liên tục” và các điều kiện quy định về việc xác định ngày truyền thống của tỉnh gồm: có tài liệu lịch sử thể hiện ngày cụ thể đánh dấu dự kiện đáng ghi nhớ, ngày diễn ra sự kiện đáng ghi nhớ cách thời điểm đề nghị công nhận ít nhất 10 năm và ngày có tính giáo dục truyền thống lịch sử và ý nghĩa đối với địa phương. Từ những giá trị, ý nghĩa lịch sử đã được khẳng định có thể thấy rằng Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1 hoàn toàn phù hợp được chọn làm Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre.
Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi. Ảnh: PV
“Cuộc Đồng khởi năm 1960 của Bến Tre thật đúng là biểu tượng đại đoàn kết dân tộc được phát huy từ thời dựng nước đến hiện đại. Thế kỷ XXI, bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong ngày 17-1-1960 của phong trào Đồng khởi đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài học này cần được kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo thực tiễn, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, nhằm phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, TS. Phạm Thị Huệ - Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ nêu rõ.
Một số hình ảnh trưng bày tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Đồng
Khẳng định thêm các giá trị để xác định ngày 17-1 hoàn toàn phù hợp là Ngày truyền thống của tỉnh Bến Tre, ThS. Phan Văn Thuận - Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Bến Tre phân tích: Ngày Bến Tre Đồng khởi 17-1-1960 là cột mốc quan trọng hội đủ các yếu tố “truyền thống lịch sử, hiện đại và tương lai” của Bến Tre. Về lịch sử cách mạng, ngày 17-1-1960 là Ngày truyền thống cách mạng của Bến Tre. Về văn hóa, ngày 17-1-1960 đã trở thành nét văn hóa đặc thù của đất và người Bến Tre, là điển hình của truyền thống văn hóa Bến Tre, “tinh thần Đồng khởi” góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của quê hương Bến Tre. Về chính trị, Đồng khởi Bến Tre không chỉ là sức mạnh về văn hóa tinh thần mà đã, đang và sẽ là chủ trương, quyết tâm chính trị và niềm tin của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương bằng cuộc Đồng khởi mới. Về xã hội, Đồng khởi Bến Tre đã trở thành một giá trị xã hội tiêu biểu, là thương hiệu, là biệt danh của đất và người Bến Tre đã, đang và sẽ lan tỏa trong đời sống xã hội ở các địa phương cả nước và trên thế giới.
“Ngày 17-1 là Ngày truyền thống của Bến Tre là hội đủ các giá trị truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội. Đồng khởi 17-1-1960 đã đi vào lịch sử như một ngọn cờ đầu, nó đã có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam và xứng đáng được gọi là quệ hương Đồng khởi với tất cả nội dung và tính chất của nó. Ngày nay, Đồng khởi - Đồng khởi mới đang và sẽ mãi mãi là niềm tự hào, niềm tin và sức mạnh chiến thắng của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương”, (ThS. Phan Văn Thuận - Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Bến Tre).
Theo Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo, ngày 17-1 vừa được công nhận là Ngày truyền thống tỉnh một lần nữa khẳng định giá trị của phong trào Đồng khởi. Trước đây, chúng ta luôn xem ngày 17-1-1960 là Ngày truyền thống lịch sử chính trị thì nay với quyết định này, ngày 17-1 trở thành Ngày truyền thống chính thức của Bến Tre. Khẳng định quá trình khai phá, phát triển của tỉnh từ trước Pháp thuộc đến nay, có ngày truyền thống để đánh giá sự phát triển của quê hương qua từng giai đoạn để tiếp tục nỗ lực, khát vọng và quyết tâm để tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đó để phát triển hơn nữa.
Đoàn viên, thanh niên tham quan Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Cùng chung với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, tuổi trẻ Mỏ Cày Nam cũng thể hiện vai trò tiên phong, xung kích của mình. Bí thư Huyện đoàn Mỏ Cày Nam Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Là thế hệ trẻ được sinh ra ở quê hương Đồng khởi, với tinh thần xung kích, tình nguyện và sáng tạo, trong thời gian qua, tuổi trẻ Mỏ Cày Nam đã không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng, tổ chức các hoạt động phong trào mang đậm chất của Đoàn thanh niên, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi sẽ quyết tâm, phát huy hơn nữa những việc làm thiết thực, cụ thể, tự học nâng cao trình độ, nghiệp vụ của mình, là tuyên truyền viên tích cực, vận động các gia đình và xã hội thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng thành tố sáng tạo trong hoạt động công tác Đoàn, giới thiệu những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thanh niên. Đồng thời, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng tình hình mới hiện nay, nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên. Tự hào về truyền thống quê hương Đồng Khởi, quyết tâm thực hiện các công trình, phần việc để xây dựng quê hương Mỏ Cày Nam ngày càng giàu đẹp và văn minh”.
Khắc sâu những giá trị truyền thống đã được cha ông dày công vun đắp, thế hệ hôm nay tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước để ra sức rèn luyện, phấn đấu xây dựng quê hương. Đồng thời tự hào lan tỏa, giới thiệu hình ảnh quê hương đến bạn bè gần xa.
Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh cùng các đoàn viên, thanh niên đến viếng, tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng
Bí thư Tỉnh đoàn Lâm Như Quỳnh bày tỏ: “Thế hệ trẻ hôm nay cũng như biết bao thế hệ người Bến Tre luôn tự hào về quê hương. Hai tiếng “Bến Tre”, hai từ “Đồng khởi” khơi nguồn động lực giúp chúng tôi nỗ lực, cũng là lời hiệu triệu để những người trẻ chúng tôi dù đang sinh sống, học tập và làm việc ở đâu cũng sẽ đoàn kết và quay về phục vụ cho địa phương. Truyền thống của 125 năm ngày thành lập và phát triển tỉnh Bến Tre, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, nhất là phong trào Đồng khởi luôn là nền tảng vững chắc để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của tỉnh thực hiện công tác giáo dục đạo đức, truyền thống, nhân cách, lối sống cho thanh thiếu nhi. Chúng tôi mong muốn có thể phát huy tối đa vai trò của mình tham gia cùng tỉnh thực hiện khát vọng là đến năm 2045 đưa Bến Tre trở thành địa phương đáng sống, xanh sạch, thân thiện, hiện đại, giúp cho Bến Tre tiếp tục phát triển trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Vận dụng kinh nghiệm và bài học từ Đồng khởi năm 1960, nhằm khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp vào nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển kinh tế, ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân, toàn hệ thống chính trị và nhân dân một lần nữa dấy lên và lan tỏa tinh thần “Đồng khởi mới”, nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước nói riêng, các phong trào hành động cách mạng nói chung, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển địa phương, đạt được nhiều thành tựu mới.
Cổng chào vào xã NTM kiểu mẫu Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: T. Thảo
Trong đó, nổi bật hơn cả là thành quả xây dựng nông thôn mới (NTM), tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận hưởng ứng thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Qua hưởng ứng cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình với những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bỏ phiếu công nhận huyện nông thôn mới Mỏ Cày Nam. Ảnh: Hữu Hiệp
Huyện Mỏ Cày Nam, cái nôi của phong trào Đồng khởi đã vận dụng tinh thần Đồng khởi năm xưa, thi đua “Đồng khởi mới” để xây dựng quê hương đạt một bước tiến vượt bậc, về đích huyện NTM ngay trước thềm kỷ niệm 65 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cho đại diện lãnh đạo xã An Thới. Ảnh: Phạm Tuyết
Đảng bộ và nhân dân huyện Mỏ Cày Nam luôn tự hào về truyền thống quê hương Đồng Khởi anh hùng. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 17-1 hàng năm là Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre là niềm vinh dự rất lớn của toàn bộ Đảng bộ và nhân dân Bến Tre, đặc biệt là huyện Mỏ Cày Nam với cái nôi phong trào Đồng khởi năm 1960.
Tinh thần kiên cường, bất khuất, sáng tạo trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do được Đảng bộ huyện Mỏ Cày Nam vận dụng, phát huy mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, trong đó xây dựng thành công huyện NTM được xác định là một trong ba nội dung đột phá của nhiệm kỳ 2020 - 2025, được Ban Thường vụ Huyện ủy phát động thành phong trào thi đua “Đồng khởi mới” xây dựng huyện NTM. Những kết quả trong quá trình xây dựng huyện NTM đã làm thay đổi lớn bộ mặt huyện nhà, nâng cao hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Vĩnh Phúc. Ảnh: Phạm Tuyết
Là một trong những đơn vị điển hình thi đua “Đồng khởi mới”, trong tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận hưởng ứng thực hiện chủ trương xây dựng các công trình, dự án. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành Nguyễn Vĩnh Phúc cho biết, để người dân nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 với 11 công trình, dự án trọng điểm. Trước tiên, cần thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các cuộc hội họp tại địa phương có công trình, dự án đi qua. Qua đó, thực hiện tốt việc công khai, minh bạch từ quy trình đến cơ chế, chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư... để người dân biết được chủ trương chung, biết rõ những nội dung nào có liên quan đến hộ gia đình cùng hợp tác trong bàn giao mặt bằng.
Tuyến đường nằm trong Dự án cầu Rạch Miễu 2 trên địa bàn huyện Châu Thành đang tiến hành thảm nhựa. Ảnh: Phạm Tuyết
Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Vĩnh Phúc chia sẻ: “Tuyên truyền, vận động nhân dân, tạo sự đồng thuận trong giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án là một công việc không mấy dễ dàng. Chính vì vậy, phải xem việc tuyên truyền, vận động là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cả một quá trình nghệ thuật, đòi hỏi có sự kiên trì, nhẫn nại và áp dụng linh hoạt các phương pháp khác nhau phù hợp với từng trường hợp cụ thể để mang lại hiệu quả cao nhất. Đối với Châu Thành, nhờ sự kiên trì tuyên truyền, vận động, người dân ở các xã bị ảnh hưởng đã đồng thuận và bàn giao mặt bằng đúng theo kế hoạch 258/258 hộ”.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18. Ảnh: Phạm Tuyết
Phát biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Trúc Hạnh cho biết, để triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 330-KH/TU, tỉnh đã phát động đăng ký các công trình (đầu việc) thực hiện cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” trong 2 năm 2024 - 2025; tổ chức ký kết thi đua sâu rộng giữa các cụm, cơ quan, đơn vị. Qua phát động, có 36 sở, ban, ngành tỉnh và 13/13 huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đăng ký đầu việc; trong đó, nội dung đăng ký của các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, sở, ban, ngành gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các huyện ủy, thành ủy tập trung thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội theo nghị quyết các cấp ủy năm 2024, nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2024, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Đại biểu tham dự toạ đàm “Giải pháp nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình trong thi đua “Đồng khởi mới” xây dựng NTM” năm 2024 tại Thạnh Phú. Ảnh: Phạm Tuyết
Theo đánh giá, các sở, ban, ngành cơ bản hoàn thành 125/168 đầu việc đăng ký thực hiện cao điểm thi đua trong năm 2024, các đầu việc còn lại đạt từ 50 - 90%, tập trung vào các dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng, các nội dung có thời gian triển khai thực hiện đến năm 2025. Các huyện ủy, thành ủy cơ bản hoàn thành các nhóm chỉ tiêu theo nghị quyết cấp ủy năm 2024 đề ra. Cụ thể, có 4 địa phương đạt trên 90% chỉ tiêu Nghị quyết (Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách), các địa phương còn lại đều đạt trên 80% chỉ tiêu Nghị quyết. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở đơn vị, địa phương.
Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam trao danh hiệu "Công dân Đồng Khởi tiêu biểu" lần thứ 3. Ảnh: Hữu Hiệp
Theo Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến, “Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Bến Tre hôm nay là làm thế nào để phát huy, biến sức mạnh tinh thần truyền thống thành động lực, nguồn lực nội sinh xây dựng quê hương Bến Tre Đồng Khởi anh hùng ngày càng phát triển văn minh. Để hiện thực hóa mục tiêu đó trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương, và nhân dân tỉnh nhà cần tiếp tục phát huy tinh thần Đồng Khởi, sáng tạo, tự lực, tự cường, đồng lòng, đồng loạt, đồng bộ, tập trung thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị đảm bảo tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Đẩy mạnh thực hiện cao điểm thi đua “Đồng khởi mới” năm 2025 với quyết tâm hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhất là công trình, dự án lớn trọng điểm của tỉnh, hướng tới mục tiêu phát triển tỉnh về hướng Đông. Hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới trước năm 2030; để tạo tiền đề vững chắc cho Bến Tre tự tin cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi. Ảnh: Thanh Đồng
---------------------------
THỰC HIỆN
Nội dung: Phạm Tuyết - Thanh Đồng
Hình ảnh: Phạm Tuyết - Thanh Đồng - Thạch Thảo
- Hữu Hiệp - Ánh Nguyệt- Bảo Tàng
Trình bày: Mỹ Hạnh