Dư luận cho rằng Tổng thống Nga Putin mong muốn ứng viên tổng thống Mỹ Trump sẽ đắc cử trong cuộc bầu cử Mỹ 2024 này. Nhưng cục diện thế giới 2024 đã khác biệt nhiều so với năm 2016 và năm 2020, khiến ông Putin thậm chí có thể nghiêng một chút về ủng hộ ứng viên Harris hoặc không thấy phương án nào thực sự ưng ý với Moscow.
Quan điểm của Nga và Putin có thể thay đổi sau 2 kỳ bầu cử Mỹ
Khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, ban lãnh đạo Nga đã đón nhận sự kiện này với thái độ hào hứng. Nhưng 8 năm sau, trải qua 2 kỳ bầu cử Mỹ và một cuộc xung đột vũ trang lớn giữa Nga và Ukraine, thì cách nhìn nhận của Moscow đã không còn như trước nữa.
Ứng viên tổng thống Mỹ Harris, Tổng thống Nga Putin, ứng viên tổng thống Mỹ Trump (từ trái qua phải). Ảnh: Getty.
Đa phần dư luận thế giới cho rằng trong lần bầu cử Mỹ 2024 này, điện Kremlin lại một lần nữa ước ao ông Trump sẽ tái đắc cử. Tuy nhiên, thực tế là đối với nước Nga hiện nay, không ai trong số 2 ứng viên lớn nhất của bầu cử Mỹ có tiềm năng đáp ứng các kỳ vọng của họ.
Với ứng viên Trump, kể từ đầu chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa (Mỹ) này, ông đã giành được một mức độ hưởng ứng nhất định từ phía Moscow. Chính xác hơn, Tổng thống Nga Putin bày tỏ ngưỡng mộ ông Trump vì đã có thái độ ngưỡng mộ đối với ông Putin.
Dĩ nhiên, điểm hấp dẫn mà điện Kremlin tìm thấy ở cựu Tổng thống Trump chủ yếu nằm ở quan điểm của ông đối với Ukraine. Ứng viên đảng Cộng hòa này đã cam kết chấm dứt xung đột Ukraine chỉ trong một ngày, bằng cách ép Kiev phải nhượng bộ về lãnh thổ. Phó tướng trong liên danh tranh cử của ông Trump, ông JD Vance, là người chỉ trích gay gắt việc viện trợ thêm cho Ukraine.
Abbas Gallyamov - cựu chuyên viên viết diễn văn cho điện Kremlin, nhận định: “Ông Putin cần một chiến thắng trong xung đột Ukraine. Nếu xung đột Ukraine này kéo dài, đó sẽ là bất lợi cho ông ấy”.
Tuy nhiên, vẫn có lý do khiến Moscow không còn mặn mà với ông Trump như trước đây. Nga đã biết rõ rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng giữ lời hứa. Cụ thể, ông đã không tiến hành sửa chữa quan hệ với Nga và cũng không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do việc nước này sáp nhập Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine.
Đối với Kremlin, “ai cũng vậy cả”
Tám năm sau cuộc bầu cử Mỹ 2016, khi xung đột Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ 3, Moscow hoài nghi kịch bản Washington sẽ thay đổi thái độ với Nga một cách chóng vánh khi Nhà Trắng có người lãnh đạo mới thân thiện với Kremlin.
Dmitry Medvedev - cựu Tổng thống Nga và đương kim Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên mạng xã hội Telegram: “Cuộc bầu cử này sẽ không thay đổi điều gì cho nước Nga cả, bởi vì các ứng viên đều phản ánh đầy đủ sự đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ rằng đất nước Nga của chúng tôi phải bị đánh bại”.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng đưa ra những nhận định tương tự: “Dù bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử này, chúng tôi đều không thấy triển vọng Mỹ thay đổi tiến trình sợ Nga”.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cũng xem tuyên bố của cựu Tổng thống Trump rằng ông từng đi sát tới một thỏa thuận giải giáp hạt nhân với Nga và Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu của mình là điều “không tương ứng với thực tế”.
Nga có thể đặt hy vọng nhiều hơn vào đối thủ của ông Trump
Trong một phiên họp tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông Vladivostok nhằm khuyến khích đầu từ vào vùng Viễn Đông Nga, Tổng thống Putin nói đầy ẩn ý rằng Tổng thống Biden là “lựa chọn ưa thích của chúng tôi”.
Nhưng khi ông Biden rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Putin nói rằng Nga sẽ làm điều mà vị Tổng thống này đề nghị cử tri làm, đó là “ủng hộ” bà Harris, người thay thế ông Biden trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024.
Gallyamov - cây viết diễn văn một thời của Kremlin, cho rằng ý của ông Putin là ủng hộ ông Trump bằng cách chế giễu ứng cử viên Harris thuộc đảng Dân chủ (Mỹ).
Tuy nhiên, giáo sư Krushcheva tại trường “New School in New York” lại cho rằng bình luận của ông Putin vẫn hàm chứa điều cốt lõi của sự thật.
Theo bà Krushcheva, chủ trương của ông Trump về chấm dứt nhanh chóng xung đột Ukraine có thể không còn thích hợp với Moscow vào lúc này, khi quân đội Nga đang nắm thế thượng phong trên chiến trường.
Bà Krushcheva đánh giá: Tổng thống Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine và đây là di sản quan trọng của ông ấy. Vì thế, Tổng thống Putin không thể tùy hứng dừng chiến dịch này do sự tác động từ bên ngoài.
Đến đây, chính ứng viên tổng thống Mỹ Harris lại có thể giúp duy trì hiện trạng mà Nga thấy có lợi cho họ, khi quyết tâm của phương Tây tỏ ra suy yếu trước cuộc tiến công quân sự kiên định của Nga tại Ukraine.
Bà Harris cổ xúy cho chính sách đối ngoại mở của Mỹ - điều này có thể là yếu tố thuận lợi để Moscow tái khẳng định lập trường của họ về xây dựng trật tự thế giới mới đa cực.
Như vậy, nhìn nhận một cách tổng thể thì điện Kremlin xem xét bầu cử Mỹ 2024 với thái độ khá bình thản, không quá nghiêng về ưa thích một ứng viên nổi trội nào (Trump hay Harris) và có lẽ họ đã sẵn sàng cho mọi kịch bản về tân chính quyền tại Mỹ.