Bệnh tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Các triệu chứng kèm theo là nôn, mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong. Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy, trong đó có nguyên nhân do vi-rút, vi khuẩn, nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn tả (còn gọi là bệnh tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.
Các triệu chứng nhiễm khuẩn cấp tính đường tiêu hóa: đầy bụng, sôi bụng; tiêu chảy liên tục, nhiều lần, lúc đầu phân lỏng, sau toàn nước (trong trường hợp bị bệnh tả: phân toàn nước đục như nước vo gạo); lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ nôn ra toàn nước trong hoặc màu vàng nhạt; người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước từ nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được huyết áp, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh… và có thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng bệnh tiêu chảy cấp trong mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình nên có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ phân, rác thải xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng. Khi có dấu hiệu bị tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Khoa TTGDSK