Chợ Lách hiện có 10.839ha vườn cây ăn trái và sản xuất cây giống - hoa kiểng với sản lượng hàng năm khoảng 120 ngàn tấn trái cây và 16 - 18 triệu sản phẩm cây giống - hoa kiểng. Hàng năm, Chợ Lách có nguy cơ nhiễm mặn từ 3 - 5 tháng, nhất là đầu mỗi con nước vào mùa nắng nóng, khả năng nhiễm mặn có thể lên đến 0,5 - 0,7%o. Do ảnh hưởng xâm nhập mặn nên các xã: Phú Sơn, Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B (khoảng 3.000ha) bị thiệt hại về cây trồng, vật nuôi. Các khu vực chịu ảnh hưởng của hạn như: vùng gò Bưng Trích (xã Hưng Khánh Trung B), Giồng Cát và các khu vực ven quốc lộ 57 (xã Long Thới)…
Theo dự báo của ngành chức năng, thời tiết năm nay khá phức tạp, nắng nóng có thể kéo dài, tình hình xâm nhập mặn có khả năng tiến sâu vào đất liền hơn những năm trước. Để chủ động đối phó, UBND huyện đã triển khai kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2012. Theo đó, huyện chỉ đạo ngành chức năng tổ chức đo mặn thường xuyên trên các nhánh sông Cổ Chiên, Hàm Luông để thông báo kịp thời cho nông dân có giải pháp phòng tránh; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, biện pháp phòng chống hạn, mặn, bảo vệ vườn cây ăn trái và gia súc, gia cầm cho nhân dân; khuyến cáo nông dân trồng cây ăn trái nên tăng cường tưới nước vào lúc nước ròng (lúc này nước ít mặn) kết hợp tủ gốc giữ ẩm cho cây. Dự trữ nước ngọt trong mương vườn để tưới cây giống, nhất là những loại cây mẫn cảm với mặn, tăng cường khả năng chống chịu cho cây bằng cách dùng phân bón qua lá có hàm lượng lân và kali cao. Đối với gia súc, gia cầm, người chăn nuôi không nên sử dụng nguồn nước nhiễm mặn cho ăn, uống, tăng cường nguồn thức ăn rau xanh… Huyện cũng đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với xã Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) đắp đập tạm Bến Bè, xây dựng 7 cống đập ven sông Vàm Mơn và sông Bảo Vàng (Phú Sơn), 9 cống đập bờ Đông và 4 cống đập bờ Tây ven sông Kênh Vàm Xã (Vĩnh Thành), đập và cống Kênh Lộ (Phú Sơn); khuyến khích người dân nạo vét các kênh rạch chính và mương vườn để tạo khối lượng dự trữ nước, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê, cống đảm bảo phục vụ tốt việc ngăn mặn, tiếp tục vận động thực hiện phương châm “Nhân dân đắp đê bao, Nhà nước hỗ trợ cống”.
Về giải pháp lâu dài, Chợ Lách sẽ tiếp tục hoàn chỉnh các khu vực đê bao chưa được khép kín, tập trung qui hoạch các khu đê bao có khả năng xâm nhập mặn cao, từng bước hoàn thiện hệ thống cống rạch ngăn lũ, mặn, trữ nước ngọt trên địa bàn; vận động nhân dân từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, mùa vụ canh tác, mùa vụ xử lý ra hoa phù hợp; xây dựng qui hoạch lại hệ thống kênh mương, đê bao, tận dụng sông rạch tự nhiên để lấy nước thượng nguồn dẫn nước ngọt từ vùng ngọt về nơi có khả năng nhiễm mặn.