Chọn, bảo quản thực phẩm an toàn

10/05/2018 - 20:14

Thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước và điện giải làm con người mau mệt, không muốn ăn nên sức đề kháng kém, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Cùng với đó, nắng nóng làm vi khuẩn dễ phát triển trong môi trường giàu dinh dưỡng như trong thức ăn làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa, phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy cấp. Do vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa nắng nóng là vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm.

Chúng ta cần mua thực phẩm vào buổi sáng, chọn những thực phẩm tươi tự nhiên để tránh ngộ độc. Hiện nay, các loại thực phẩm như: tôm, cá, thịt bày bán ở các chợ thường bị phơi nắng suốt cả ngày rất dễ bị hư, để càng lâu thì lượng độc chất càng tăng. Nếu chúng vẫn còn giữ màu tươi nguyên chính nhờ vào các “kỹ thuật bảo quản” không an toàn như tẩm các loại chất độc hại như hàn the, u-rê… thì khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng còn cao hơn nhiều.

Cách bảo quản thực phẩm tốt nhất là làm lạnh hoặc đông đá thực phẩm. Ngay khi đi chợ về, nhanh chóng làm sạch các loại thức ăn, phần nào chưa dùng ngay thì cho vào hộp đậy nắp và đưa vào dự trữ ở ngăn đá (đối với các loại thịt, cá, tôm) hoặc ngăn mát (các loại rau, củ, quả). Nên lưu ý phân chia thực phẩm ra những phần nhỏ vừa đủ ăn mỗi bữa hay mỗi ngày trước khi cho vào tủ lạnh, khi dùng chỉ lấy ra từng phần nhỏ là tốt nhất, tránh rã đông nhiều lần làm ảnh hưởng chất lượng thực phẩm, nên để cách ly thực phẩm sống và chín trong tủ lạnh.

Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh.

Thực phẩm tươi sống cần được rửa sạch và nấu chín kỹ, thức ăn nên nấu vừa đủ ăn trong ngày không nên hâm đi hâm lại nhiều lần, tránh việc mất nhiều chất dinh dưỡng và tạo ra các chất có hại cho sức khỏe trong thức ăn. Không ăn các thức ăn bán ở vỉa hè, hàng rong; hạn chế ăn uống ngoài đường phố nơi không bảo đảm vệ sinh. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

TTGDSK

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích