BDK - Thời gian qua, việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về thể dục thể thao (TDTT), hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về TDTT ở nước ta đã và đang tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn. Với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác trên lĩnh vực TDTT, vừa qua, Trường Cán bộ quản lý văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) - Bộ VHTT&DL phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về TDTT năm 2024 (diễn ra từ ngày 4 đến 8-11-2024), truyền tải nhiều chuyên đề thiết thực trên lĩnh vực TDTT.
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thể dục thể thao tham gia lớp bồi dưỡng.
Hướng đến thể thao bền vững, chuyên nghiệp, rộng khắp
Theo Thạc sĩ Ngô Xuân Phương - Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý VHTT&DL, lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm cụ thể hóa tinh thần chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ về phát triển TDTT. Cụ thể, ngày 15-10-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định, mục tiêu chung của Chiến lược nhằm xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp. Mọi người dân đều được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ TDTT; tự giác tập luyện để nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống. Nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam, từng bước tiệm cận, tiến tới ngang tầm các nước có nền thể thao phát triển tại châu Á. Mở rộng thị trường thể thao, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển sự nghiệp TDTT… Tỉnh ủy cũng đã có Kế hoạch số 373-KH/TU ngày 4-6-2024 về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới, xác định mục tiêu chung là phát triển toàn diện TDTT cả về quy mô và chất lượng; khuyến khích và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia hoạt động và đầu tư phát triển sự nghiệp TDTT. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phong trào TDTT trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công nhân, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phó giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Ngọc Dung cho biết, những hoạt động của ngành VHTT&DL, trong đó công tác chuyên môn, quản lý về TDTT hiện nay được Trung ương - trực tiếp là Bộ VHTT&DL và các đơn vị sự nghiệp, các phòng chuyên môn của Bộ, có Trường Cán bộ quản lý VHTT&DL quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong các mặt công tác. Trong đó có việc bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức về quản lý nhà nước trên lĩnh vực TDTT cho các địa phương, trong đó có tỉnh.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Theo Phó giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Ngọc Dung, thời gian qua, Sở VHTT&DL đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng trên lĩnh vực TDTT, qua đó, để các lực lượng làm công tác chuyên môn, quản lý cập nhật các văn bản, quy định hiện hành và mới được ban hành. Tỉnh cũng như các tỉnh trong khu vực đang tập trung hoàn thiện về bộ máy tổ chức của ngành TDTT. Hoạt động TDTT trên địa bàn hiện nay có sự phát triển mạnh mẽ, từ thể thao phong trào ở cơ sở đến thể thao thành tích cao và thể thao gắn với các hoạt động du lịch. Với lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về TDTT năm 2024, gần 200 học viên là cán bộ, công chức, viên chức đang tham gia công tác quản lý TDTT các cấp đã được tiếp cận nhiều chuyên đề thiết thực trong lĩnh vực TDTT hiện nay. Cụ thể như các chuyên đề: Thực trạng công tác quản lý nhà nước về TDTT và định hướng hoạt động trong thời gian tới; Gắn kết du lịch và thể thao trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Một số vấn đề về quản lý thể thao giải trí; Thực trạng và giải pháp phát triển TDTT quần chúng, công tác truyền thông trong lĩnh vực TDTT; Hướng dẫn thành lập và công nhận câu lạc bộ TDTT cơ sở theo quy định, cập nhật, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TDTT...
Hướng dẫn tại lớp bồi dưỡng nêu trên, GS.TS Lâm Quang Thành - nguyên Phó tổng cục trưởng - Tổng cục TDTT đã chia sẻ, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, tạo hành lang pháp lý để tăng cường vai trò quản lý gắn liền với pháp luật là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý cũng như thúc đẩy phát triển sự nghiệp TDTT. Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo công tác TDTT và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp TDTT thông qua việc ban hành các chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, các chính sách phát triển TDTT…
Nhìn chung, thời gian qua, hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực TDTT đã được tiếp tục hoàn thiện, bao quát rộng hơn các vấn đề liên quan đến hoạt động TDTT, giúp cho việc định hướng, quản lý và tổ chức các hoạt động TDTT ngày càng được chặt chẽ và có hiệu quả.