Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa IX

07/07/2020 - 20:36

BDK.VN - Sáng ngày 7-7-2020, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, tập trung 5 nội dung quan trọng, gồm: Việc cấp nước cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt, sản xuất trong điều kiện hạn mặn kéo dài; Giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính; Việc nạo vét Kênh Lấp có đúng thiết kế và các giải pháp khắc phục; Thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 2020; Quản lý thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Dưới đây là nội dung chất vấn, trả lời chất vấn.

Giải pháp cấp nước bền vững trong điều kiện hạn mặn

Ông Đoàn Công Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng

Ông Đoàn Công Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn. Ảnh: Cẩm Trúc

Trả lời chất vấn của Đại biểu Đặng Ngọc Anh đối với UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến việc cấp nước cho người dân, doanh nghiệp trong sinh hoạt và sản xuất trong điều kiện hạn mặn. Ông Đoàn Công Dũng - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: UBND tỉnh luôn quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng nước ngọt. Trong đợt hạn mặn, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiều giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, xây dựng kế hoạch ứng phó xâm nhập mặn với từng cấp độ khác nhau; tăng cường công tác quan trắc môi trường, độ mặn, ngoài các trạm hiện có, tỉnh bổ sung thêm nhiều trạm đo ở khu vực thượng nguồn (gần 50 điểm đo); chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị cấp nước giảm giá nước; yêu cầu các đơn vị cấp nước lắp đặt thiết bị RO, vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về, mở các điểm cấp nước miễn phí cho nhân dân...

Để giải quyết căn cơ, lâu dài và bền vững vấn đề nguồn nước trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm chủ động nguồn nước như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thành Kế hoạch phòng, chống ứng phó với hạn năm đến năm 2025, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2023 không còn để bị ảnh hưởng do hạn mặn, nhất là tình trạng thiếu nước ngọt.

Ưu tiên nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thủy lợi trọng điểm trên địa bàn tỉnh như: các công trình củ̉a Dự án JICA 3; các hạng mục còn lại của dự án Nam - Bắc Bến Tre, nhất là gia cố hệ thống đê ven sông; đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực Cù Lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu đầu tư xây dựng thêm hồ chứa nước ngọt tại huyện Ba Tri và các huyện ven biển; nghiên cứu đầu tư, mở rộng tuyến ống dẫn nước thô về các nhà máy nước, cũng như đường ống để hòa mạng, bổ cấp nước sạch cho các nhà máy không có nguồn nước ngọt…

“Với mục tiêu ngay từ đầu năm 2021, nhà máy nước tỉnh sẽ cung cấp đủ nước ngọt cho người dân trong mùa hạn mặn. UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang, Long An để nghiên cứu thực hiện dự án dẫn nước thô liên tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre. Nếu được Chính phủ đồng ý thì khả̉ năng dự án sẽ hoàn thành sớm, đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt cho một số nhà máy nước của tỉnh. Riêng các khu vực nông thôn ngoài việc bổ sung hệ thống RO phục vụ cung cấp nước sinh hoạt, tỉnh cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, như: nạo vét, xây dựng các ao, hồ chứa nước cục bộ phù hợp điều kiện của từng địa phương” - ông Đoàn Công Dũng cho biết thêm.

Liên quan đến Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp cạn nước khô lòng hồ, đại biểu Phạm Thanh Hùng (Tổ đại biểu đơn vị Ba Tri) nêu: Hồ cung cấp trong 5 tháng thì lòng hồ cạn nước. Vậy việc tổ chức thi công nạo vét lòng hồ của dự án hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp vừa qua có đảm bảo đúng như thiết kế của dự án hay không? Nếu chưa hoặc có thiếu sót gì thì giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào?

 Ông Nguyễn Văn Điền - Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết: Quá trình tổ chức thực hiện, kiểm tra, nghiệm thu nạo vét lòng hồ được thực hiện nghiêm túc, đúng với thiết kế được phê duyệt. Hiện nay, Ban quản lý dự án đã yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện đào bóc đất tại các vị trí gồ ghề, lởm chởm, san phẳng đáy hồ và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa tháng 7-2020. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả, Ban quản lý dự án kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre, UBND huyện Ba Tri vận hành hồ nước, hệ thống giao thông, cây xanh đúng thiết kế được phê duyệt, bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hạng mục công trình để duy trì hiệu quả của dự án.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp và giải pháp

Đại biểu Nguyễn Văn Chính

Đại biểu Nguyễn Văn Chính

Hiện nay, theo số liệu giải ngân đến ngày 20-6-2020, tổng số vốn giải ngân đạt khoảng 20% so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm. Đại biểu Nguyễn Văn Chính nêu “so với tình hình hiện nay, khả năng giải ngân vốn có đảm bảo 100% kế hoạch hay không? Những khó khăn vướng mắc nào làm cản trở tiến độ giải ngân các dự án? Giải pháp nào để đạt tỷ lệ giải ngân tối đa”?

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh trả lời chất vấn. Ảnh: Cẩm Trúc

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh cho biết: Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ các dự án là thời điểm hạn mặn, thiếu nước ngọt để phục vụ thi công và dịch Covis -19 phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội gây khó khăn trong việc huy động nhân lực, vật tư, ảnh hưởng rất lớn đến triển khai và thanh toán vốn; đồng thời, các dự án quy mô lớn (dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương, trái phiếu chính phủ, ODA, các dự án khu, cụm công nghiệp) chậm giải ngân do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục đầu tư. Các dự án lớn này chiếm phần lớn vốn kế hoạch năm theo cơ cấu vốn; việc chậm tiến độ giải ngân của các dự án này kéo theo việc giảm giá trị giải ngân trên tổng thể các nguồn vốn.

Về giải pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Cảnh cho biết sẽ phối hợp các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 trong tháng 7-2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trừ 4 dự án nguồn khoản 10.000 tỷ đồng sẽ giao trước 30-9-2020 theo chỉ đạo của HĐND tỉnh). Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân; theo dõi sát tiế́n độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn ngay, kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao.

“Ưu tiên tham mưu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn, trọng điểm chiếm tỷ lệ vốn kế hoạch lớn; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án; cam kết giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2020 đối với các dự án triển khai trên địa bàn tỉnh” - ông Nguyễn Minh Cảnh nêu.

Về cải cách hành chính, quản lý thu ngân sách nhà nước

Đại biểu HĐND tỉnh Lê Văn Mười đã chất vấn nội dung chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: Q.Hùng

Đại biểu HĐND tỉnh Lê Văn Mười chất vấn nội dung chỉ số cải cách hành chính. Ảnh: Q.Hùng

Đại biểu HĐND tỉnh Lê Văn Mười đã chất vấn nội dung: Nguyên nhân nào mà chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Bến Tre hàng năm đều bị sụt giảm? Trách nhiệm thuộc về cơ quan (tổ chức), cá nhân nào? Đồng thời, đề nghị cho biết tỉnh có những giải pháp hữu hiệu nào để đảm bảo sẽ cải tiến chỉ số CCHC ở những năm sau?

Thông tin từ Sở Nội vụ, nhìn chung trong cả giai đoạn 2014-2019, chỉ số CCHC tỉnh có xu hướng giảm, chỉ trong năm 2018 có dấu hiệu tăng lên. Cụ thể: năm 2014, 2015 chỉ số đạt mức cao trên 80% được xếp vào nhóm A (các tỉnh có Chỉ số trên 80%), năm 2016, chỉ số giảm còn 70.47% xếp vào nhóm C (các tỉnh có chỉ số từ 70% đến dưới 75%), năm 2017 chỉ số tiếp tục giảm còn 67.35% xếp vào nhóm D (các tỉnh có chỉ số dưới 70%), nguyên nhân do chỉ số CCHC có sự thay đổi về các tiêu chí, tiêu chí thành phần. Năm 2018 chỉ số CCHC có sự hồi phục, tăng đạt 73.49% được xếp vào nhóm C (các tỉnh có chỉ số từ 70 đến dưới 75%). Năm 2019, mặc dù điểm số có tăng nhẹ (từ 73,49 lên 73,47), tuy nhiên, thứ Chỉ số CCHC lại tụt xuống cuối bảng xếp hạng (63/63 tỉnh, thành).

Trả lời chất vấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ngọc Thi xin nhận trách nhiệm về việc chỉ số CCHC bị xếp hạng 63/63 tỉnh, thành. Năm 2019, việc “tụt bậc” về xếp hạng CCHC so với năm 2018 được chỉ ra là do các cấp, ngành chưa chỉ đạo quyết liệt công tác CCHC. Bên cạnh đó, chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức tại một số cơ quan, đơn vị chưa cao dẫn đến kết quả một số tiêu chí, tiêu chí thành phần không có điểm hoặc điểm số rất thấp. Đặc biệt là việc chỉ đạo điều hành về tài chính, ngân sách của tỉnh còn chưa được quan tâm đúng mực.

Đề ra giải pháp trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Ngọc Thi cho biết: Sở Nội vụ tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan tham mưu chính cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong triển khai thực hiện công tác CCHC trên địa bàn tỉnh. Rà soát, tham mưu UBND tỉnh giải quyết tình trạng bất hợp lý trong cơ cấu, số lượng lãnh đạo ở các cơ quan chuyên môn của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện thành phố.

Phó giám đốc Sở Nội vụ đề nghị Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, củng cố và phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện thủ tục hành chính để góp phần cải thiện chỉ số CCHC trong thời gian tới.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Văn Quới chất vấn về việc quản lý thu ngân sách nhà nước ở cơ sở còn nhiều bất cập, thu không đủ và bỏ sót nhiều nguồn thu do chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển quyền sử dụng đất trái phép không quản lý được và thu khác ngân sách. Thời gian tới có giải pháp gì để quản lý, thu ngân sách tốt hơn.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài chính Võ Văn Phú chỉ ra nguyên nhân là khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất trồng cây lâu năm thì không có quy định mức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Một số hộ dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, một số dự án, công trình xây dựng được Nhà nước giao đất không có thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp. UBND cấp xã chưa quản lý tốt và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17 về việc quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính có Công văn số 1974 hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện công tác tổ chức thu và sử dụng kinh phí hỗ trợ để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Cẩm Trúc - Quốc Hùng (lược ghi)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN