Phòng thiếu vi chất dinh dưỡng

14/06/2020 - 22:31

BDK - Nhằm cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, cần ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm. Ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc động, thực vật.

Các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamim A, C. Ảnh: Thư Kỳ

Các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamim A, C. Ảnh: Thư Kỳ

1.  Nguồn thực vật:

Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) có nhiều trong rau, quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (rau muống, rau ngót, rau dền, cải bó xôi, súp lơ xanh…).

Sắt và vitamin C có trong các loại rau màu xanh sẫm. Hàm lượng vitamin C cao sẽ giúp cho việc hấp thu sắt tốt hơn. Ngoài ra các loại quả giàu vitamin C giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho cơ thể như bưởi, táo, lê…

Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo lứt, các loại đậu, rau lá xanh thẫm, chuối…

- Kẽm: có trong đậu nành, củ cải, đậu Hà Lan và các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng...). Đậu xanh nảy mầm cũng có nhiều kẽm và dễ hấp thu.

I-ốt có trong các loại thực phẩm nguồn thực vật như: tảo bẹ, tảo tía (khô), rau chân vịt, rau cần, cải thảo, cải xà lách xoong, khoai tây…

2. Nguồn động vật:

Vitamin A có nhiều trong các loại gan động vật, lòng đỏ trứng và thịt...

Vitamin nhóm B có nhiều trong thịt gà, sữa, pho mát…

Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc…

Vitamin D có trong dầu cá, trứng, gan…. Tuy nhiên, vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng.

Sắt có nhiều trong gan, các loại thịt, cá có màu đỏ như thịt bò, thịt heo, cá ngừ…

Kẽm có nhiều trong tôm tép, cá, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng gà…

 I-ốt có trong các loại thực phẩm nguồn động vật như: cá biển, cua biển, trứng gà.... Chúng ta cũng cần biết rằng trong 100g muối biển tự nhiên có chứa 2mcg i-ốt; 100g muối ăn có chứa 7.600mcg i-ốt; 100g nước mắm có chứa 950mcg i-ốt.

Ngoài ra, cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Ở Việt Nam hiện nay đã có nhiều loại thực phẩm được tăng cường vi chất dinh dưỡng sẵn có trên thị trường như: muối hoặc hạt nêm trộn i-ốt, nước mắm tăng cường sắt, bánh quy bổ sung sắt-kẽm (sản phẩm của Viện Dinh dưỡng)…

Đối với các trẻ nhỏ, các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho bé bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn bổ sung cho của trẻ. Thêm mỡ hoặc dầu để tăng hấp thu vitamin A, vitamin D.

Cho trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A liều cao 2 lần/năm, bà mẹ sau sinh trong vòng một tháng uống một liều vitamin A.

Trẻ từ 24 - 60 tháng tuổi uống thuổi tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân,vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Trên đây, là nhiều giải pháp để cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài và cơ bản nhất có tính bền vững cao là cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân, sao cho khẩu phần ăn của mọi người được cung cấp đầy đủ và cân đối nhu cầu về mặt dinh dưỡng. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc động thực vật đưa vào bữa ăn hàng ngày để bổ sung vi chất dinh dưỡng một cách có hiệu quả.

Khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN