Khói mù ô nhiễm bao phủ Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo đó, chính quyền cho phép người dân sử dụng phương tiện công cộng miễn phí trong vòng một tuần, bắt đầu từ 25-1, nhằm giảm lượng xe cá nhân và cải thiện chất lượng không khí.
Người dân có thể đi xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm và các phương tiện công cộng khác mà không phải trả phí. Chính phủ sẽ bù đắp chi phí cho các nhà khai thác giao thông công cộng.
Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, vốn đã khiến hàng trăm trường học phải đóng cửa và nhiều người lao động phải làm việc tại nhà.
Trước đó trong ngày 24-1, hơn 350 trường học ở Bangkok buộc phải đóng cửa vì ô nhiễm không khí, mức cao nhất trong 5 năm qua. Chính quyền cũng khuyến nghị người dân làm việc tại nhà khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt 159 vào giữa tuần, theo dữ liệu từ IQAir, một dịch vụ giám sát không khí thương mại có trụ sở tại Thụy Sĩ.
Theo Bangkok Metropolitan Administration, 352 trường học trên 31 quận đã đóng cửa do mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Hôm 24-1, mức bụi mịn PM2.5, yếu tố gây hại chính trong ô nhiễm không khí, đạt 108 microgram trên mỗi mét khối, cao hơn nhiều so với mức khuyến nghị 15 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thời gian tiếp xúc trung bình 24 giờ.
Sáng cùng ngày, AQI tại Bangkok đã tăng lên 185. Thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra tuyên bố trên mạng xã hội X: "Chính phủ sẽ không thụ động và sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để nhanh chóng cải thiện tình hình. Khói bụi PM2.5 là một vấn đề mang tính quốc gia".
Thủ tướng Paetongtarn cũng đề cập một số biện pháp ngắn hạn nhằm giảm ô nhiễm, bao gồm miễn phí giao thông công cộng, hạn chế xây dựng, cấm đốt rơm rạ và thắt chặt kiểm tra xe thải khói đen.
Bangkok là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, với khói bụi từ xe cộ được xem là một trong những nguyên nhân chính. Vào ngày 25-1, thủ đô này bị xếp hạng là thành phố ô nhiễm thứ 7 thế giới, đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á sau Thành phố Hồ Chí Minh.
Không chỉ riêng Thái Lan, ô nhiễm không khí đang là bài toán nan giải tại nhiều quốc gia châu Á. Ở Ấn Độ, thủ đô New Delhi, nơi có hơn 33 triệu dân, thường xuyên đối mặt với mức độ ô nhiễm nguy hiểm, với chỉ số AQI trong mùa đông nhiều lần vượt mức 1.000, gấp hơn 15 lần ngưỡng an toàn của WHO.
Tại Campuchia, chính quyền báo cáo rằng chất lượng không khí ở Phnom Penh và ba tỉnh khác đã đạt mức "đỏ", tức mức ô nhiễm rất cao, do biến đổi khí hậu, đốt rác thải và cháy rừng.