Hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá.
Mối đe dọa sức khỏe
Hút TL là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của các chuyên gia, những người hút TL có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do Covid-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng TL còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này, gồm: chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây TL và lấy gỗ để sấy TL. Ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy TL. Việc sử dụng TL thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3 - 6 ngàn tấn formaldehyde, từ 12 - 47 ngàn tấn nicotine và từ 300 - 600 triệu ki-lô-gam chất thải độc hại của các mẩu TL. Các tác động môi trường của việc sử dụng TL gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm. Đặc biệt, đối với các nước đang phát triển do hơn 80% số người sử dụng TL là tại các nước này.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng TL là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó, có hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng TL trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút TL thụ động.
Người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người hút cũng mắc các bệnh như người hút thuốc. Khói TL đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút TL như: phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi. Ngoài ra, khói TL cũng là nguyên nhân gây vô sinh cho cả hai giới và 25 bệnh khác liên quan như: bệnh hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ sảy thai, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc sẽ làm tăng tỷ lệ mắc viêm phế quản, viêm phổi và viêm tai giữa, tăng các triệu chứng hô hấp mãn tính như hen, giảm sự phát triển chức năng phổi; tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
Hãy từ bỏ thuốc lá
Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp về việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút TL, xây dựng môi trường không khói thuốc cùng với các hoạt động kiểm tra, giám sát, công tác phòng chống tác hại của TL đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Tính trong cả nước, tỷ lệ sử dụng hút TL chung giảm 0,8% trong 5 năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.
Mọi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân, không hút TL tại các địa điểm cấm hút TL như: trường học, cơ sở y tế, nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, thư viện, nhà văn hóa, các khu vực sản xuất, nơi có nguy cơ cháy nổ cao, trên các phương tiện giao thông công cộng; không sử dụng TL trong các lễ hội, đám cưới, đám tang. Hãy từ bỏ TL để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình mình và những người xung quanh. Đồng thời, tích cực tuyên truyền về tác hại của TL nhằm loại bỏ thói quen hút thuốc trong nhân dân, tiến tới một xã hội khỏe mạnh với một môi trường sống trong lành không khói TL.
Các chuyên gia gợi ý giải pháp tự bỏ TL bằng cách tìm động lực mạnh mẽ, luôn suy nghĩ và tâm niệm, hút TL trở thành gánh nặng cho gia đình và sức khỏe của con cái và người thân. Kết bạn với những người không hút TL sẽ giúp bạn dễ quên đi TL. Do đó, hạn chế gặp những người có thói quen hút thuốc trong thời gian đầu bỏ thuốc để tránh bị ảnh hưởng. Giữ cho tay và miệng luôn bận rộn như cầm theo 1 ly nước hoa quả trên tay hoặc luôn bỏ trong túi kẹo hoặc chai xịt cai TL. Các hành động này sẽ giúp tránh cảm giác rảnh rỗi muốn hút thuốc lại. Hãy dọn dẹp sạch sẽ phòng làm việc, phòng khách... những nơi có mùi TL, tàn thuốc hay hình ảnh làm gợi nhớ.
Theo kinh nghiệm của những người bỏ TL thành công, việc từ bỏ thói quen hút TL không quá khó khăn nhưng thời gian đầu, cảm giác thèm thuốc thường lặp đi lặp lại nhiều lần, đòi hỏi cần có nhiều nỗ lực. Thực tế, có rất nhiều người cai TL thành công và có tiến triển tốt trong sức khỏe.
Bài, ảnh: Phan Hân