Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế

29/05/2019 - 13:54

Việc Việt Nam được chọn là quốc gia duy nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam.

Ngày 11-4-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề 'Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.' Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN
Ngày 11-4-2019, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận mở với chủ đề 'Phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.' Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN

Kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, vị thế của Việt Nam đã không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Việc Việt Nam được chọn là quốc gia duy nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 một lần nữa khẳng định điều này.

Mở rộng quan hệ song phương

Trong nhiều năm qua, hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được triển khai bài bản với tầm nhìn chiến lược và các bước đi cụ thể, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 16 nước, Đối tác toàn diện với 11 nước, trong đó có tất cả các nước P5 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh) và hầu hết các nước chủ chốt trong trong khu vực và trên thế giới.

Trong những năm qua, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến các nước đã không ngừng được mở rộng và tăng cường, góp phần đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu, tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác ngày càng thực chất.

Không chỉ có các chuyến thăm cấp cao, hàng trăm các cuộc tiếp xúc, trao đổi ở các cấp, các bộ, ngành, các cơ chế hợp tác, các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao đã giúp quan hệ Việt Nam với các nước ngày càng hiệu quả và đi vào chiều sâu.

[Một số hình ảnh đoàn Việt Nam tham gia các cuộc họp của Liên hợp quốc]

Ở khía cạnh ngoại giao kinh tế, đến nay, đã có trên 70 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực vào việc đàm phán cũng như ký kết, phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 16 FTA song phương và đa phương. Điều này không chỉ góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, mà còn thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong việc hình thành hệ thống thương mại quốc tế.

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển then chốt. Chúng ta có sự đan xen lợi ích rộng lớn chưa từng có với các đối tác, 27 đối tác chiến lược và toàn diện cùng 59 đối tác FTA. Chúng ta chủ trương hội nhập rất sâu và hiện nay chúng ta không chỉ ở tầm mức hội nhập mà ở tầm mức liên kết với một vị thế mới, bắt kịp với xu thế mới.

Nâng tầm đối ngoại đa phương

Với thế và lực mới của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới, đối ngoại đa phương Việt Nam đã thực sự được chắp cánh và nâng lên một tầm cao mới, góp phần giúp Việt Nam khẳng định được chỗ đứng xứng đáng của mình với tư cách một thành viên trách nhiệm và có uy tín của cộng đồng quốc tế.

Hoạt động đối ngoại đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên "chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương." Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như: Hội đồng Bảo an (2008-2009); Hội đồng Kinh tế-Xã hội (1998-2000 và 2016-2018), Hội đồng Nhân quyền (2014-2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017-2021); Ủy ban Luật thương mại quốc tế (2019-2025)...

Ngoài ra, Việt Nam còn góp mặt trong nhiều diễn đàn đa phương như: Hội nghị G7 mở rộng, Hội nghị cấp cao ASEAN, Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong Nhật Bản, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Diễn đàn cấp cao vì mục tiêu xanh toàn cầu, Kỳ họp đại hội đồng Liên hợp quốc...

Cùng với đó, Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế tín nhiệm lựa chọn là nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng có tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

Gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vào cuối tháng 2-2019. Đây là sự kiện quan trọng của thế giới, thu hút sự tham gia của hơn 2.600 phóng viên quốc tế của 218 hãng thông tấn, báo chí, truyền thông quốc tế từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Hà Nội đưa tin, hình ảnh về sự kiện.

Mặc dù không được đạt thỏa thuận và không ra tuyên bố chung, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un đều khẳng định cuộc gặp tại Hà Nội là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên.

Việt Nam được đánh giá cao khi đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để hội nghị diễn ra an toàn, trọng thị và với chất lượng cao, thể hiện mong muốn của Việt Nam đóng góp cho tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, Việt Nam cũng đã đăng cai và tổ chức thành công 4 hội nghị quốc tế quan trọng, bao gồm: Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF 26) vào tháng 1-2018; Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 10 (CLV 10) vào cuối tháng 3-2018; Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) vào tháng 9-2018 và Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) vào tháng 9-2018.

WEF ASEAN 2018 đã để lại dấu ấn sâu đậm về một Việt Nam hội nhập. WEF ASEAN 2018 được đánh giá là Hội nghị thành công nhất của WEF trong 27 năm qua khi quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác, khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự.

WEF ASEAN 2018 còn trở thành tâm điểm chú ý xuất hiện liên tục trong dòng chảy thông tin trên các phương tiện truyền thông quốc tế với hàng nghìn bài viết, thu hút hàng triệu lượt người tham gia tương tác trên mạng xã hội…

Thành công đó không chỉ thể hiện chủ đề, nội dung Hội nghị WEF ASEAN 2018 đáp ứng sự quan tâm và lợi ích chung của khu vực cũng như thế giới, mà còn khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam.

Tháng 11-2017, Việt Nam cũng đã trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017 với sự hội tụ của toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản… Điều đáng nói ở chỗ, đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ Cấp cao APEC mới có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy.

Điều này khẳng định vị trí chiến lược của Việt Nam ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho Việt Nam. Qua sự kiện này, Việt Nam đã tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC.

Tất cả các sự kiện trên đã cho thấy sự coi trọng của các nước đối với vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời thể hiện sự chủ động và “tầm vóc” của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình các thể chế khu vực và toàn cầu.

Có thể thấy, sau 10 năm kể từ lần đầu Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009), với những đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc, cũng như vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay, chúng ta có thể tin tưởng ở mức cao hơn, kỳ vọng cao hơn về hoạt động của Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ tới.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN