Đó là nội dung phương châm chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư Tô Lâm thực hiện “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức nhà nước” đang được các cấp, các ngành tập trung triển khai khẩn trương, từ Trung ương đến cơ sở, đến từng chi bộ, đảng viên. Theo đó, với tinh thần “cả hàng phải chạy, không lộn xộn, không chờ đợi ai”, “phải làm ngay, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước” để xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị “tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”.
Báo cáo tổng kết qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt đã gây ra nhiều hệ lụy. Bộ máy cồng kềnh, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển do ngân sách đang chi khoảng 70% để trả lương, chi thường xuyên và phục vụ cho các hoạt động...
“Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, để đạt các mục tiêu chiến lược đã đề ra hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, cùng với sự nỗ lực phi thường và cố gắng vượt bậc, chúng ta không được chậm trễ, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi. Muốn đạt được yêu cầu khắt khe đó, cần nhanh chóng thực hiện cách mạng về tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị, dành nguồn lực đầu tư cho phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội.
Với quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thống nhất về tư tưởng, đòi hỏi sự đoàn kết, đồng thuận, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể. Đây có thể nói là nhiệm vụ vô vàn khó khăn, tác động trực tiếp đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi, lợi ích thiết thực của hàng ngàn cán bộ, đảng viên. Hơn ai hết, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nêu gương thể hiện qua việc sẵn sàng chấp nhận sự sắp xếp, thậm chí hy sinh khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Tất cả vì sự phát triển của đất nước, tạo lòng tin cho toàn xã hội.
Đổi mới, sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị là đòi hỏi cấp thiết của tình hình thực tiễn, là vấn đề cấp bách, bắt buộc phải làm. Qua đó cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ. Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của quê hương, đất nước.
ĐỒNG KHỞI