Theo ADB, gói ứng phó ban đầu, được ngân hàng này công bố ngày 18-3, có trị giá 6,5 tỷ USD. Việc tăng gấp 3 quy mô của gói ứng phó nhằm giúp các thành viên đang phát triển của ngân hàng có thể đối phó với các tác động về y tế cũng như kinh tế vĩ mô nghiêm trọng do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong số này, ADB dành 2,5 tỷ USD cho các khoản vay ưu đãi và viện trợ.
Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết dịch COVID-19 có nguy cơ làm suy giảm nghiêm trọng những thành tựu đạt được về kinh tế, xã hội và phát triển tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, đảo ngược tiến trình xóa đói giảm nghèo, và đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo ông, gói hỗ trợ mở rộng và toàn diện sẽ được cung cấp nhanh chóng và linh hoạt cho các chính phủ và khu vực tư nhân ở những quốc gia thành viên đang phát triển để giúp họ có thể giải quyết những thách thức khẩn cấp khi đối phó với đại dịch và sự suy giảm về kinh tế.
Theo ADB, có tới 13 tỷ USD được cung cấp nhằm giúp các chính phủ của các nước thành viên đang phát triển thực thi các chương trình chi tiêu ngược chu kỳ hiệu quả nhằm giảm thiểu các tác động do dịch COVID-19 gây ra, đặc biệt tập trung vào người nghèo và người yếu thế. ADB cũng sẽ tiếp tục triển khai nhanh chóng các nguồn viện trợ để cung cấp thiết bị, vật tư y tế và đồ bảo hộ cá nhân từ các nguồn mua sắm được mở rộng. ADB cũng sẽ dành khoảng 2 tỷ USD để cung cấp cho khu vực tư nhân, đồng thời cung cấp các khoản tín dụng và bảo lãnh cho các định chế tài chính để tái tạo các chuỗi cung ứng và thương mại.
Thể chế tài chính này cũng cho biết sẽ triển khai đồng thời việc tăng cường hỗ trợ tín dụng, bảo lãnh tài chính vi mô và một quỹ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu thanh khoản, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ điều hành, với việc tài trợ trực tiếp cho các công ty ứng phó hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19.
Ngoài ra, gói ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng bao gồm một loạt điều chỉnh chính sách và chu trình kinh doanh, vốn cho phép ADB ứng phó nhanh hơn và linh hoạt hơn với khủng hoảng. Các điều chỉnh này bao gồm tạo điều kiện cho chu trình kinh doanh nội bộ, mở rộng tiêu chuẩn và phạm vi các gói hỗ trợ, cũng như đưa ra các điều khoản và điều kiện cho vay phù hợp hơn với các đối tượng.
ADB cho biết tất cả các hỗ trợ theo gói ứng phó COVID-19 mở rộng sẽ được cung cấp dưới sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các cơ quan khác của Liên hợp quốc cũng như với các thể chế khác.
Theo đánh giá công bố ngày 3-4 vừa qua của ADB, tác động của COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu chiếm khoảng từ 2,3-4,8% tổng GDP. Tăng trưởng khu vực được dự báo sẽ giảm từ mức 5,2% trong năm 2019 xuống còn 2,2% trong năm nay.
Nguồn: TTXVN