Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của tỉnh

25/05/2022 - 05:52

BDK - Tính đến thời điểm cuối tháng 4-2022, tỉnh có 5 chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp giấy chứng nhận (GCN) đăng ký.

5 chỉ dẫn địa lý

Bưởi da xanh Bến Tre.

Bưởi da xanh Bến Tre.

Ngày 26-1-2018, Cục SHTT ra Quyết định số 297/QĐ-SHTT về việc cấp GCN đăng ký CDĐL số 00062 cho sản phẩm bưởi da xanh “Bến Tre”. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý CDĐL này.

Dừa xiêm xanh Bến Tre.

Dừa xiêm xanh Bến Tre.

Ngày 26-1-2018, Cục SHTT ra Quyết định số 298/QĐ-SHTT về việc cấp GCN đăng ký CĐĐL số 00063 cho sản phẩm dừa uống nước xiêm xanh “Bến Tre”. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý CDĐL này.

Sầu riêng Monthong.

Sầu riêng Monthong.

Sầu riêng Ri6.

Sầu riêng Ri6.

Ngày 11-5-2020, Cục SHTT ban hành Quyết định số 1571/QĐ-SHTT về việc cấp GCN đăng ký CDĐL số 00080 cho sầu riêng Cái Mơn. Sở KH&CN Bến Tre là tổ chức quản lý CDĐL này.

Cua biển.

Ngày 14-4-2021, Cục SHTT ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp GCN đăng ký CDĐL số 00102 cho cua biển Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý CDĐL này.

Tôm càng xanh được nuôi trong ruộng lúa.

Tôm càng xanh được nuôi trong ruộng lúa.     

Tôm càng xanh được nuôi trong mương vườn dừa.

Tôm càng xanh được nuôi trong mương vườn dừa.

Ngày 19-4-2021, Cục SHTT ban hành Quyết định số 1047/QĐ-SHTT về việc cấp GCN đăng ký CDĐL số 00103 cho sản phẩm tôm càng xanh “Bến Tre”. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý CDĐL này.

CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Đó có thể là những từ ngữ, tên gọi, dấu hiệu, biểu tượng, hình ảnh được sử dụng để chỉ ra rằng sản phẩm có nguồn gốc tại quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương mà đặc trưng về chất lượng, uy tín, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của loại hàng hóa này có được chủ yếu là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Thông qua CDĐL, có thể nhận biết một khu vực địa lý cụ thể gắn liền với chất lượng, danh tiếng và những đặc tính riêng có của sản phẩm mà chỉ ở nơi ấy mới có.

Lợi ích của chỉ dẫn địa lý

Lợi ích của CDĐL trước hết, đây là điều kiện phát huy các lợi thế riêng của một địa phương để phát triển và quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng sản phẩm mang CDĐL không chỉ tạo ra công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người sản xuất của địa phương đó mà cả những nhà kinh doanh, nhà sản xuất nguyên liệu thô, phụ phẩm, các công ty vận tải... CDĐL được xem là công cụ quan trọng cung cấp sự bảo đảm chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.

Không chỉ mang lại giá trị cao hơn cho nông sản xuất khẩu, việc được bảo hộ CDĐL còn đem đến những hiệu quả rõ nét cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Chẳng hạn như, sau khi được bảo hộ CDĐL “Cao Phong”, giá trị sản phẩm cam Cao Phong (Hòa Bình) đã tăng lên rõ rệt. Nếu như trước đây người trồng chỉ bán tại vườn với giá 6 ngàn đồng/kg, thì sau khi có bảo hộ CDĐL đã tăng lên 20 - 35 ngàn đồng/kg. Hay như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), từ chỗ người dân chỉ bán được với giá dưới 10 ngàn đồng/kg, thì hiện nay đã được tiêu thụ rộng khắp với giá bình quân hơn 35 ngàn đồng/kg. Giống như một “tấm giấy thông hành”, nhờ CDĐL, quả vải đã thâm nhập nhiều thị trường khó tính như: Australia, Pháp, Mỹ, Nhật Bản…

Sở KH&CN với nhiệm vụ và quyền hạn được giao quản lý CDĐL đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng hồ sơ và nộp đơn đăng ký CDĐL cho 2 sản phẩm tiếp theo của Bến Tre là chôm chôm, xoài và sẽ được Cục SHTT cấp GCN đăng ký trong năm 2022. Như vậy, tính đến thời điểm cuối năm 2022, Bến Tre sẽ có 7 CDĐL đã được bảo hộ là: bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng Cái Mơn, cua biển, tôm càng xanh, chôm chôm và xoài.

Bài, ảnh: Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN