Một cơ sở lọc dầu của Nga. Ảnh: The Moscow Times/TTXVN
Theo dữ liệu, chi tiêu vốn đã tăng 6% trong năm ngoái, trong khi nhiều nhà kinh tế dự đoán nó giảm tới 20% ngay sau khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra.
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết hầu hết các doanh nghiệp Nga đều tăng đầu tư vào năm 2022 hoặc giữ ở mức như năm trước. Kết quả là sản lượng chỉ giảm 2%, thấp hơn nhiều so với dự đoán của các nhà kinh tế khi các biện pháp trừng phạt được công bố lần đầu tiên.
Các lệnh trừng phạt đã khiến Nga không thể tiếp cận nhiều mặt hàng nhập khẩu, buộc các công ty Nga phải tăng chi tiêu vốn để sản xuất, thay thế các thiết bị và phần mềm nước ngoài hiện không có sẵn hoặc đầu tư vào việc thiết lập các tuyến đường mới để đảm bảo nguồn cung từ các thị trường thay thế.
Theo Cơ quan Thống kê Liên bang (Rosstat), 4/5 lĩnh vực sử dụng nhiều vốn nhất của nền kinh tế Nga đã tăng chi tiêu đầu tư, bao gồm vận tải, khai thác mỏ, bất động sản và khoa học công nghệ.
Severstal - một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất của Nga - đã chuyển khoản đầu tư trong các dự án có nguy cơ bị gián đoạn do lệnh trừng phạt sang đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin cho công nghiệp kim loại.
Các ngân hàng lớn như Sber và VTB cũng đang đầu tư để thay thế các phần mềm nước ngoài. Tháng trước, những ngân hàng trên lên kế hoạch phát hành nhãn dán có chứa chip NFC để thay thế các dịch vụ thanh toán không chạm của nước ngoài không còn hoạt động ở Nga như Apple Pay và Google Pay.
Theo một nghiên cứu của công ty bất động sản NF Group, tổng tiền đầu tư vào ngành bất động sản thương mại năm 2022 đạt mức cao lịch sử là 487,2 tỷ rubble (6,8 tỷ USD), cao hơn 21% so với năm 2021.
“Tổng tiền đầu tư đạt kỷ lục với tỷ lệ vốn nước ngoài lại ở mức tối thiểu. Các nhà đầu tư Nga đang trở thành chủ sở hữu của phần lớn các bất động sản cao cấp ở các phân khúc khác nhau và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục cho đến khi các công ty rời khỏi thị trường Nga bán hết tài sản của họ”, báo cáo của NF Group nêu rõ.
Trong khi đó, các nhà sản xuất khí đốt và dầu mỏ cũng tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng giao thông hoặc cho việc định hướng lại các mặt hàng xuất khẩu từ phương Tây.
Nhiều doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ các khoản tài trợ của chính phủ và các chương trình hỗ trợ thay thế nhập khẩu. Theo Rosstat, quỹ nhà nước là một trong những nguồn chi tiêu vốn lớn nhất, chiếm khoảng 17,8%.
Sergey Yanchukov, người đứng đầu nhóm Mangazeya, một công ty đa ngành với các hoạt động chính là khai thác, xây dựng và phát triển vàng, cho biết: “Thời kỳ khó khăn sẽ qua, trong khi các dự án vẫn sẽ tồn tại. Các dự án là dài hạn, vì vậy chúng tôi sẽ không dừng lại bất cứ dự án nào”.
Nguồn: TTXVN