BDK - Bằng tình yêu với nghệ thuật truyền thống, nhiều bạn trẻ tại tỉnh đã khôi phục việc tạo hình cổng cưới, con vật, tiểu cảnh… bằng lá dừa của cha ông ngày xưa tưởng chừng mai một. Từ những chiếc lá dừa mộc mạc, đơn sơ được các bạn trẻ “thổi hồn” vào thành các sản phẩm sống động, góp phần giữ gìn nét văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ.
Nhóm bạn trẻ Tổ hợp tác cổng rạp cưới Alo Tui đang tạo hình từ lá dừa.
Cổng rạp cưới Alo Tui
Trước đây, mỗi khi có đám cưới, đám hỏi, người dân địa phương thường sử dụng các nguyên liệu mộc mạc ngay trong vườn nhà như: lá dừa, lá cau, lá đủng đỉnh… để làm cổng cưới trông rất đẹp mắt. Khi kinh tế ngày càng phát triển, những chiếc cổng cưới bằng sắt, hoa giả được lắp ghép tiện lợi ra đời đã dần thay thế cổng cưới bằng lá dừa truyền thống. Bằng niềm đam mê, anh Nguyễn Văn Tám Em (ngụ ấp Cái Chốt, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề làm cổng cưới lá dừa.
Anh Tám Em kể lại: “Năm 2013, tôi làm Bí thư Chi đoàn ấp Cái Chốt có tham gia dựng trại nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Trại của ấp được làm bằng cổng lá dừa, thắt nhiều con vật đẹp nên được nhiều người khen. Từ đó, tôi có ý tưởng làm dịch vụ cổng cưới bằng lá dừa để giữ gìn nghệ thuật truyền thống của ông cha ta ngày xưa. Tôi cùng 15 bạn trẻ trong ấp thành lập Tổ hợp tác cổng rạp cưới Alo Tui hoạt động cho tới nay đã hơn 10 năm”.
Để làm cổng cưới đẹp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ tự học nghề và học các nghệ nhân cao tuổi để làm ra hình rồng, phụng, hoa và trang trí sao cho đẹp mắt. Trung bình một cổng cưới có giá từ 5 - 7 triệu đồng, những gia đình khá giả có thể đặt nhiều chi tiết cầu kỳ giá lên đến 180 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình giàu có ở tận Hà Nội, Nghệ An, Bắc Giang… cũng thuê nhóm ra tận nơi để làm những chiếc cổng cưới đẹp mắt, mang đậm chất miền Tây sông nước.
Tuy vậy, nghề làm cổng cưới bằng lá dừa chủ yếu làm ngày thứ Bảy, Chủ nhật và những tháng cuối năm khi các gia đình chọn tổ chức đám cưới, đám hỏi. Còn lại hầu hết các thành viên trong tổ hợp tác đều phải làm vườn hay ai thuê gì làm nấy để trang trải chi phí, lo cho gia đình.
Bạn trẻ Đặng Trường Duy (ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) tham gia làm cổng cưới lá dừa gần 5 năm. Trước đây, Duy học nghề điện lạnh tại một trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Duy vừa học nghề điện lạnh vừa tham gia làm cổng cưới lá dừa. Khi học xong, Duy quyết định không theo nghề điện lạnh đã được đào tạo bài bản mà chọn nghề làm cổng cưới lá dừa vì đam mê. “Học thắt lá dừa thành hình hoa, con vật rất khó vì cần bàn tay khéo léo và sự nhẫn nại mới làm được. Ngoài học hỏi từ các nghệ nhân, mình còn sáng tạo để làm ra các con chim, cá, rồng, phụng, chuồn chuồn, cào cào… sao cho đẹp mắt để trang trí cho cổng cưới. Trung bình mỗi tuần, tổ hợp tác nhận được từ 3 - 4 tiệc đám cưới, đám hỏi giúp anh em có thêm thu nhập. Thời gian còn lại hầu hết anh em đều làm vườn hay làm các nghề phụ để lo cho cuộc sống”, Duy cho biết.
Cơ sở thắt lá dừa Nét Việt
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 10 nhóm chuyên làm cổng cưới bằng lá dừa, thắt các sản phẩm lưu niệm bằng lá dừa phục vụ khách tham quan du lịch, các lễ hội… Năm 2016, chị Đinh Kim Ngân (cán bộ Sở Xây dựng) thành lập Cơ sở thắt lá dừa Nét Việt. Cơ sở có 10 nhân công gồm 6 nữ, 4 nam, hầu hết là cán bộ, giáo viên, thợ uốn tóc, thợ sắt… cùng đam mê tạo hình lá dừa. Điều đặc biệt là cơ sở không chỉ làm cổng cưới, trang trí bàn thờ gia tiên mà còn nhận thắt các con vật, hàng lưu niệm từ chiếc lá dừa bán khắp cả nước.
Nói về cơ duyên đến với nghề thắt lá dừa, chị Ngân cho biết: “Năm 2015, tỉnh tổ chức Lễ hội Dừa, cơ quan giao nhiệm vụ cho tôi tìm nhóm người thắt lá dừa thành những con vật, nón, hoa, giỏ xách… để phục vụ khách tham quan. Khi đó, tôi tập hợp các bạn sinh viên, viên chức yêu thích thắt lá dừa tự học trên mạng và những người lớn tuổi để tạo hình lá dừa. Sau lễ hội, nhóm này duy trì hoạt động và mở cơ sở để làm cổng cưới lá dừa, kết hoa lá dừa, thắt con vật, túi xách, nón… theo nhu cầu của khách hàng”.
Hầu hết các thành viên trong nhóm đều có nghề nghiệp ổn định nên làm công việc thắt lá dừa vì đam mê và kiếm thêm thu nhập trong lúc nhàn rỗi. Chị Ngân cho biết: “Khi bước vào nghề thắt lá dừa phải tự nghiên cứu, học hỏi liên tục theo nhu cầu của khách hàng. Ban đầu, các thành viên trong nhóm chủ yếu thắt lá dừa với vài hình cơ bản nhưng nay có thể thắt bất cứ hình nào theo nhu cầu của khách hàng. Mỗi năm, có rất nhiều sự kiện, lễ hội được tổ chức trong cả nước và cần gian hàng sản phẩm từ lá dừa cho khách tham quan nên nhu cầu còn rất lớn. Vì vậy, cơ sở đang tập trung vào sản phẩm tạo hình lá dừa bán cho các sự kiện”.
Để tăng thu nhập cho các thành viên, chị Ngân bán các mặt hàng từ lá dừa qua sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Đồng thời, ngoài các sản phẩm lá dừa tươi, cơ sở chuyển qua làm các sản phẩm từ lá buông, lá dừa khô để kéo dài thời gian sử dụng. Hiện tại, chị Ngân và các thành viên trong nhóm có thể thắt khoảng vài trăm loại sản phẩm từ lá dừa với nhiều hình dạng, kích cỡ theo nhu cầu của khách hàng. Trong đó, nhiều nhất là các hình con chim, cào cào, nón, máy bay, túi xách, hoa, bọ ngựa, châu chấu… với giá từ vài ngàn đến vài chục ngàn đồng, tùy theo kích cỡ.
Nghệ thuật tạo hình từ chiếc lá dừa được các bạn trẻ tại tỉnh khôi phục đang được nhiều khách hàng đón nhận. Trong đó, các sản phẩm cổng cưới lá dừa, tạo hình từ lá dừa, hoa… ngày càng xuất hiện nhiều tại các lễ hội truyền thống góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ.