Kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23-11

Ðưa di sản văn hóa về với đời sống xã hội

25/11/2024 - 05:32

BDK - Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phù hợp với Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc. Các giá trị di sản văn hóa không chỉ được bảo lưu trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, mà còn góp phần quan trọng trong việc đưa di sản văn hóa về với đời sống xã hội, vào nhà trường một cách thiết thực và đạt hiệu quả đáng khích lệ.

Các cá nhân được nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam” tại chương trình họp mặt kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Tích cực sưu tầm, lưu giữ hiện vật giá trị

Tỉnh có một kho tàng phong phú về di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa và phản ánh đời sống, tinh thần của người Bến Tre trong những chặng đường phát triển. Hiện toàn tỉnh có 63 di tích cấp tỉnh, 16 di tích quốc gia, 2 di tích Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, tỉnh còn có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Hát sắc bùa Phú Lễ (huyện Ba Tri), Lễ hội Nghinh Ông Bình Thắng (huyện Bình Đại), Nghề làm bánh tráng Mỹ Lồng ở xã Mỹ Thạnh và Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc ở xã Hưng Nhượng (huyện Giồng Trôm).

Tại Bảo tàng tỉnh, công tác sưu tầm, lưu giữ các hiện vật có giá trị lịch sử cũng được thực hiện tích cực. Hiện Bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ 20 ngàn hiện vật, hình ảnh, tài liệu khoa học phụ (trong đó có 15 ngàn hiện vật và 5 ngàn hình ảnh, tài liệu khoa học) có giá trị lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng liên quan đến quá trình hình thành phát triển tỉnh qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước và của địa phương. Cùng với đó là những bộ sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử như: hiện vật thuộc di chỉ khảo cổ Ba Vát, hiện vật thuộc di chỉ khảo cổ Giồng Nổi, gốm Nam Bộ, nông cụ, những lá thư thời mưa bom bão đạn, tiền kim loại, tiền giấy…

Trong năm 2024, các nhà sưu tập đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh 283 hiện vật. Trong đó, đáng chú ý như: Nhà sưu tập Kiên Lê (Lê Văn Kiên) đã trao tặng cho Bảo tàng tỉnh 64 hiện vật, gồm: đồ đá, đồ đồng và đồ gốm (gốm Việt Nam và gốm Trung Quốc, thế kỷ XV đến thế kỷ XX). Ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Giám đốc Bảo tàng cổ vật Mũi Né đã tặng cho Bảo tàng tỉnh 160 hiện vật niên đại từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XX, gồm: Gốm Việt Nam (triều Lý, Trần, Lê và gốm Nam Bộ) và gốm Trung Quốc (triều Hán, Đường, Minh). Việc sưu tầm được những tài liệu, hiện vật quý có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ bảo tàng, làm phong phú thêm kho cơ sở của bảo tàng.

Đa dạng các hoạt động bảo tồn di sản

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện bằng nhiều hình thức như: triển khai các đề án, dự án, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học, tổ chức các hội thi, hội diễn, tổ chức kiểm kê di sản văn hóa, truyền dạy di sản văn hóa…

Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Phạm Thanh Bình cho biết: Các di tích, trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu mở cửa thường xuyên, phục vụ khách trên 153 ngàn lượt khách tham quan. Các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng như kiểm kê, sưu tầm di sản, hiện vật, hoàn thiện hồ sơ khoa học hiện vật, chỉnh trang, sửa chữa các di tích, trưng bày, triển lãm chuyên đề, thực hiện các video clip giới thiệu các di tích… được thực hiện chuyên nghiệp. Nhất là thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động bảo tàng như: thuyết minh tự động, ứng dụng công nghệ quét mã QR để truy cập thông tin về di tích, hệ thống số hóa tự động, thuyết minh AI tại di tích Nguyễn Đình Chiểu…

Bên cạnh đó, Hội Di sản văn hóa tỉnh còn đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Các hoạt động thiết thực như: Chương trình giao lưu định kỳ Đờn ca tài tử, Câu lạc bộ Hát sắc bùa trực thuộc Tỉnh Hội thường xuyên luyện tập, tham gia diễn xướng phục vụ các lễ hội truyền thống của tỉnh và các đoàn khách trong, ngoài nước, Câu lạc bộ Nói thơ Vân Tiên trở thành sân chơi cho giáo viên và học sinh, góp phần truyền dạy loại hình diễn xướng Nói thơ Vân Tiên trong cộng đồng. Các ban nhạc lễ và nghi lễ với các chi hội di sản văn hóa làm nòng cốt đã phát huy được giá trị di sản văn hóa truyền thống và đáp ứng được nhu cầu tâm lý, tâm linh của quần chúng nhân dân, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng ở khu dân cư.

Để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng sâu rộng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Trung đề nghị, các địa phương, với các đơn vị, tổ chức và cá nhân cùng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, nêu cao tinh thần gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

Năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

Tại chương trình họp mặt kỷ niệm 79 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam mới đây, Ban tổ chức đã trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp di sản văn hóa Việt Nam của Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười và 10 cá nhân đã có thành tích đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. UBND tỉnh đã tặng bằng khen, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen cho các nhà sưu tập tại Bình Thuận đã hiến tặng hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Bến Tre.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN