Đa dạng sản phẩm trang trí từ lá dừa

24/06/2019 - 06:09

BDK - Tâm sự về động lực khởi nghiệp (KN) với các sản phẩm trang trí được làm từ lá dừa, chị Đinh Kim Ngân (quê xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam) cho biết: “Hồi nhỏ, tôi mê chơi nhà chòi được làm bằng lá dừa lắm. Kỳ nghỉ hè nào cũng xúm xít cùng với nhóm bạn trong xóm cặm cụi cất chòi, thắt các vật dụng từ lá dừa từ sáng đến tối không biết chán…”.

Đinh Kim Ngân tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức năm 2018.

Đinh Kim Ngân tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp do BSA tổ chức năm 2018.

Tuổi thơ mê thắt lá dừa

Theo Ngân, quê mình thì lá dừa là bất tận, tuổi thơ ai cũng gắn bó với những đồ chơi được làm bằng lá dừa. Từ xa xưa, người dân Bến Tre đã biết sử dụng các loại lá sẵn có trong vườn nhà như lá dừa, lá dừa nước để tạo ra các vật dụng trong nhà dùng để che chắn mưa gió, đựng thực phẩm, làm nón lá… Việc thắt lá dừa điêu luyện có thể tạo ra vô số các đồ dùng, với mẫu mã khác nhau.

 “Những ký ức sâu sắc nhất của tôi là cùng với bạn bè trong xóm chơi trò làm nhà chòi từ lá dừa. Hồi đó, xây nhà chòi cũng bài bản: nhà cao, rộng, có chia phòng, trong phòng có giường nằm được làm bằng bẹ dừa. Cổng nhà và các vật dụng trang trí trong nhà đều được thiết kế từ lá dừa. Lẽ đó, một phần tuổi thơ của tôi là lá dừa”, Ngân kể.

Văn hóa dừa không chỉ dừng lại ở ký ức tuổi thơ mà với Ngân, nó là nét đẹp bình dị của quê hương, nó sống động lớn lên cùng Ngân theo năm tháng và là nguồn tài nguyên quý giá để chị KN với các sản phẩm văn hóa được làm từ lá dừa như: cổng cưới lá dừa và hàng trăm con vật, mẫu vật dụng lưu niệm…

Vốn sẵn có “tay nghề” và bản tính “nghiện” thắt lá dừa, vào Lễ hội Dừa lần thứ IV năm 2015, Ngân hỏi han, tìm kiếm những người cùng sở thích với mình để thành lập câu lạc bộ thắt lá dừa và tham gia trình diễn tay nghề tạo hình các sản phẩm văn hóa làm từ lá dừa tại không gian dừa Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre. Ngân cùng các bạn trong câu lạc bộ tái hiện một góc văn hóa dừa với hình con rắn, con chim, cào cào, nón, áo, giỏ, vòng tay, đồng hồ, hoa, giỏ đựng quà… bằng lá dừa. Những vật dụng tưởng đơn giản nhưng là một nét văn hóa không thể thiếu của đất và người Bến Tre.

Ngân nhớ lúc mới thành lập câu lạc bộ, Ngân tìm đến Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện, đến các xã để hỏi thăm, tìm người, trong đó có nhiều bạn sinh viên ở Trường Cao đẳng Bến Tre tham gia. Vui nhất là người tham quan lễ hội ai cũng thích, đứng ngắm thật lâu và mua sản phẩm với giá 2.000 đồng/món. Câu lạc bộ duy trì mô hình trình diễn tay nghề tạo hình bằng lá dừa ở các mùa lễ hội dừa tiếp theo. “Tôi rất mong được tiếp tục tham gia trình diễn thắt lá dừa tại không gian dừa của Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần V năm 2019”, Ngân cho biết.

Câu lạc bộ thắt lá dừa Bến Tre chụp hình lưu niệm với cổng cưới vừa hoàn thành.

Câu lạc bộ thắt lá dừa Bến Tre chụp hình lưu niệm với cổng cưới vừa hoàn thành.

Sản phẩm văn hóa dừa

“Nhớ sau lần tham gia lễ hội, nhiều người liên lạc với câu lạc bộ để đặt hàng. Nhờ đó, câu lạc bộ thắt lá dừa tiếp tục duy trì, mở rộng và các thành viên có thêm thu nhập. Sản phẩm KN chính thời gian đầu là hoa và cổng cưới lá dừa”, chị Ngân kể.

Tùy theo mẫu mã, tính chất công phu của cổng cưới mà mỗi cổng có giá từ 3 đến 5 triệu đồng. Có những mẫu kết hợp gắn kết các loại trái cây đặc sản để vừa làm đẹp, vừa làm nên nét độc đáo của vùng đất trù phú giàu cây trái ngon. Riêng mẫu hoa dừa được khách hàng chuộng sử dụng làm hoa cưới cầm tay, hoa bó để tặng, hoa để bàn trang trí sự kiện. Mỗi bó hoa cưới cầm tay có giá khoảng 150 - 300 ngàn đồng.

Riêng hoa dừa được nhiều bạn trẻ KN với du lịch trên địa bàn tỉnh dùng để tặng các đoàn khách ngoài tỉnh với ý nghĩa vừa thể hiện sự hiếu khách vừa mang tính đặc trưng ở quê dừa, không nơi đâu có được. Qua đó, nhằm tôn vinh hình ảnh và nét đẹp văn hóa xứ dừa.

Hiện nay, toàn tỉnh có nhiều nhóm thành lập để KN với mô hình cổng cưới lá dừa. Riêng Câu lạc bộ thắt lá dừa của Ngân đã thành lập cơ sở thắt lá dừa Nét Việt, tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre với trên 20 thành viên, trong đó có sinh viên, học sinh và người già. Tùy theo tính chất mùa vụ, mỗi thành viên có thu nhập từ vài trăm ngàn đến một triệu đồng/ngày. Bình quân cơ sở nhận từ 3 - 5 cổng cưới (sự kiện)/tuần.

Cũng theo Ngân, cái khó của nghề này là bởi ảnh hưởng của nguồn hàng. Các sản phẩm giữ được độ tươi mới, đẹp cũng chỉ trong thời gian nhất định. Một số sản phẩm được sử dụng đựng trực tiếp thức ăn, bánh, kẹo như đĩa, giỏ, khay đựng… được xử lý bằng thuốc tím.

Bà Nguyễn Phi Vân - chuyên gia nhượng quyền hàng đầu Việt Nam, thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates tại khu vực Đông Nam Á từng khẳng định rằng: “Tôi rất thích những sản phẩm của bạn”. Theo bà Nguyễn Phi Vân, đây là những sản phẩm mang đậm nét văn hóa địa phương, là một hình thức tận dụng, phát huy được giá trị tài nguyên bản địa để KN.

Hiện, cơ sở thắt lá dừa Nét Việt đã thiết kế quai ly để phục vụ các cơ sở kinh doanh nước uống nhằm thay thế cho túi ni-lông. Cơ sở đang hướng tới sản xuất những sản phẩm có thể thay thế các loại túi ni-lông, hộp đựng thức ăn bằng nhựa nhằm vừa tạo nét thẩm mỹ, độc đáo riêng, vừa thân thiện với môi trường.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích