BDK - Trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và yêu cầu phát triển bền vững, ngành y tế tỉnh đang từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin. Không chỉ quan tâm đến việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), ngành y tế tỉnh còn tập trung xây dựng nền y tế thông minh, đồng bộ và toàn diện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại.
Bệnh viện Y học cổ truyền Trần Văn An đầu tư máy oxy cao áp phục vụ điều trị người bệnh.
Từng bước hiện đại hóa ngành y tế
Những năm qua, ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần cải thiện đáng kể tình hình sức khỏe của người dân. Hệ thống y tế công lập được đầu tư đồng bộ từ tỉnh đến xã. Các bệnh viện như: Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố... không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, cải tiến chất lượng dịch vụ. Mạng lưới y tế cơ sở, với hơn 150 trạm y tế xã, phường, thị trấn được duy trì hoạt động ổn định, tạo mạng lưới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Song song đó, ngành y tế tỉnh còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Nhiều bác sĩ, điều dưỡng được cử đi đào tạo, tập huấn trong và ngoài tỉnh. Công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 đã thể hiện rõ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và sự vào cuộc kịp thời của toàn ngành.
Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20-10-2020 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý bệnh viện, thanh toán không dùng tiền mặt... đã từng bước thay đổi diện mạo ngành y tế, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân.
Thông tin từ Sở Y tế tỉnh, toàn tỉnh có 100% cơ sở KCB công lập triển khai hệ thống quản lý bệnh viện và phần mềm hồ sơ bệnh án điện tử. Tỷ lệ người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 87%. Đây là bước tiến quan trọng giúp kết nối thông tin y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Một trong những ứng dụng nổi bật là hệ thống KCB từ xa được triển khai tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu và các bệnh viện tuyến huyện. Qua hệ thống này, các bác sĩ tuyến dưới có thể hội chẩn với tuyến trên, góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn và giảm tình trạng chuyển tuyến không cần thiết.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Oanh cho biết: Đến nay, ngành y tế đã hoàn tất công tác đầu tư, đưa vào sử dụng hệ thống Y tế từ xa (Telehealth) từ tuyến tỉnh đến tuyến xã với 27 điểm cầu. Qua đó, giúp hội chẩn ca bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới trong điều trị. Triển khai phần mềm quản lý y tế cơ sở (HMIS) được trên 150 trạm y tế, đáp ứng đầy đủ các chức năng và báo cáo theo quy định của Bộ Y tế. Triển khai phần mềm đặt lịch khám online (vnCare) tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh, huyện, thành phố. Năm 2024, toàn ngành y tế đã ghi nhận 22.025 lượt đặt lịch khám, giúp người dân giảm thời gian chờ đợi khi đến cơ sở y tế.
Bên cạnh đó, ngành y tế còn triển khai thực hiện liên thông dữ liệu có ký số thông qua Cổng giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Triển khai thực hiện Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có trên 148 ngàn người có sổ sức khỏe điện tử. Người dân có thể dễ dàng tra cứu lịch khám, đặt lịch hẹn và theo dõi kết quả xét nghiệm qua ứng dụng. Đây được đánh giá là một trong những sản phẩm tiêu biểu trong quá trình CĐS toàn diện của ngành.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội, loa phát thanh thông minh tại trạm y tế và tin nhắn tự động đến người dân. Nhờ đó, độ bao phủ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em dưới 1 tuổi luôn duy trì trên 98%. Đồng thời, kiểm soát tốt các dịch bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng hay Covid-19, sởi…
Y tế thông minh
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển nhanh chóng, y tế thông minh đang trở thành định hướng phát triển chủ đạo của ngành y tế Việt Nam. Đối với tỉnh, việc tiếp cận xu hướng này vừa là cơ hội, vừa là thách thức.
Chia sẻ vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười lưu ý: “Y tế thông minh không đơn thuần là việc trang bị thiết bị hiện đại hay phần mềm quản lý, mà là quá trình chuyển đổi toàn diện cách vận hành hệ thống y tế. Từ chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh viện đến theo dõi sức khỏe cộng đồng, tất cả đều phải gắn liền với dữ liệu số và tư duy phục vụ dựa trên nhu cầu cá nhân hóa”.
Ngành y tế tỉnh đã bước đầu xác định các nhiệm vụ trọng tâm để hướng tới y tế thông minh. Trước hết, phát triển nền tảng dữ liệu y tế thống nhất, mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử riêng biệt. Tiếp theo là xây dựng mô hình bệnh viện thông minh. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển các dịch vụ y tế từ xa, đặc biệt nhằm hỗ trợ người dân ở vùng nông thôn có điều kiện tiếp cận bác sĩ chuyên khoa tuyến tỉnh.
Để đạt được mục tiêu y tế thông minh toàn diện, tỉnh vẫn còn nhiều việc phải làm. Hạ tầng công nghệ, đặc biệt là đường truyền và thiết bị ở tuyến cơ sở cần được đầu tư đồng bộ. Vấn đề bảo mật thông tin y tế cũng cần được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh dữ liệu cá nhân ngày càng trở nên nhạy cảm. Hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đầy đủ, toàn bộ bệnh viện công và 80% cơ sở y tế tư nhân ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh CĐS trong ngành y tế. Xem đây là “chìa khóa” quan trọng để tạo sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế, góp phần nâng cao chất lượng KCB và phục vụ người dân ngày càng tốt. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả sổ sức khỏe điện tử toàn dân, đảm bảo mỗi người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ. Triển khai xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh” tại bệnh viện tỉnh. Duy trì thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, hoạt động hội chẩn, chữa bệnh từ xa.
“Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành y tế cần thực hiện nhiều trọng trách hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Đặc biệt, trong công tác phòng chống và kiểm soát tốt các bệnh dịch, chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cho bệnh nhân. Ngành y tế cần đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị máy móc, thiết bị y tế phù hợp theo từng tuyến y tế. Triển khai thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống y tế cơ sở. Tăng cường hợp tác vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện để tiếp nhận các kỹ thuật cao, chuyên sâu đưa vào phục vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương. Mỗi cán bộ y tế không ngừng học tập trau dồi kiến thức chuyên môn để nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy y đức. Tiếp tục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao”.