BDK - Tính đến hết quý I-2025, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tại huyện Mỏ Cày Nam tiếp tục phát triển khá. Giá trị sản xuất CN-TTCN ước thực hiện đạt 1.895 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 17,52% so với cùng kỳ và đạt 25,76% kế hoạch.
Dừa hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%.
Huyện tiếp tục quan tâm phát triển doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn; lũy kế đến nay đã phát triển được 63 DN, trong đó, DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn 68 và 2 chi nhánh công ty. Phát triển mới 37 cơ sở sản xuất, nâng số DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên toàn huyện là 2.144 cơ sở, với tổng số vốn đăng ký là 168,5 tỷ đồng.
Nhìn chung, tình hình sản xuất CN-TTCN tăng so với cùng kỳ năm trước, các mặt hàng, sản phẩm sản xuất chủ yếu tăng như: thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, các sản phẩm chế biến từ dừa (chỉ xơ dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, kẹo dừa…).
* Huyện hiện có diện tích dừa 16.740ha, đạt 102,1% kế hoạch năm, đạt 99,5% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích vườn dừa có hệ thống trồng xen, nuôi xen hiệu quả đạt 6.140ha.
Thực hiện nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả gắn với hoàn thiện mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hiện nay, huyện tiếp tục phát triển vườn dừa hữu cơ, liên kết với DN theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đến nay, toàn huyện có trên 7.190 vườn dừa đang thực hiện quy trình canh tác hữu cơ, với tổng diện tích 6.291,08ha, tăng 515 vườn, diện tích 394,28ha so với năm 2023. Trong đó, có 6.337 vườn được chứng nhận đạt hữu cơ, với tổng diện tích 5.451,48ha, đạt 32,56% tổng diện tích vườn dừa của huyện.
Nhiều DN đã thực hiện việc liên kết với 15 hợp tác xã trên địa bàn để thu mua dừa trái, cơm dừa theo hướng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 5 - 20%. Các DN đã thực hiện thu mua dừa hữu cơ cho người dân theo hợp đồng liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã với sản lượng thu mua trên 3,8 triệu trái/tháng.