BDK - Là một trong 28 tỉnh, thành tiếp giáp biển, với lợi thế bờ biển dài 65km, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nổi bật là kinh tế thủy sản. Do đó, ngành thủy sản được tỉnh xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, nuôi tôm nước lợ là ngành chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tỉnh. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển tỉnh về hướng Đông giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đã khẳng định phát triển kinh tế biển giữ vai trò chủ lực, trong đó kinh tế thủy sản là một trong 2 ngành kinh tế mũi nhọn và được ưu tiên hàng đầu.
Người dân đầu tư xây dựng ao nuôi tôm công nghệ cao tại 3 huyện biển của tỉnh.
Duy trì phát triển đa dạng loại hình, đối tượng nuôi
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU, tỉnh chú trọng các đối tượng nuôi truyền thống có nhiều lợi thế như: tôm chân trắng, tôm sú, nhuyễn thể. Đồng thời, nghiên cứu phát triển các đối tượng nuôi mới có giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi toàn tỉnh đạt 41.500ha, sản lượng 114 ngàn tấn/năm. Đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 42.000ha, sản lượng 150 ngàn tấn/năm.
Tỉnh xác định phát triển theo hướng giảm mạnh khai thác gần bờ và các nghề lạm sát nguồn lợi hải sản. Phát triển mạnh khai thác xa bờ và các nghề đánh bắt có chọn lọc, ban hành chính sách chuyển đổi nghề khai thác thủy sản. Ứng dụng công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với chế biến, xuất khẩu… Sản lượng khai thác ổn định khoảng 200 ngàn tấn/năm, giá trị sản lượng tăng 30% vào năm 2025 so với năm 2020.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Buội cho biết, hiện nay, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản được duy trì và phát triển khá ổn định, với hơn 50.000ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh khai thác được diện tích nuôi thủy sản 47.800ha; tổng sản lượng nuôi đạt 329 ngàn tấn, trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu.
Trong cơ cấu diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh thì nuôi tôm nước lợ chiếm khoảng 75,3%. Năng suất nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao (CNC) đạt 40 - 60 tấn/ha; thâm canh, bán thâm canh ngày được nâng cao như tôm chân trắng đạt 12 - 15 tấn/ha, tôm sú 6 - 8 tấn/ha; quảng canh, tôm lúa, tôm rừng đạt 250kg/ha. Ước tính giá trị ngành tôm nước lợ của tỉnh chiếm 77% so với tổng giá trị mang lại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Phấn đấu đạt mục tiêu: “con tôm tỷ đô”
Tại Nghị quyết số 04-NQ/TU, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 4.000ha nuôi tôm biển CNC. Để đạt mục tiêu này, tỉnh triển khai các giải pháp như: Tổ chức lại sản xuất, nâng cao chất lượng giống tôm biển, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý môi trường, phát triển hoạt động chế biến tôm.
Đến năm 2025, sản phẩm tôm biển ứng dụng CNC được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và tỷ lệ liên kết đạt trên 60%. Tỉnh phấn đấu thành lập được ít nhất 3 hợp tác xã nuôi tôm có doanh thu 100 tỷ đồng. Sản phẩm tôm biển CNC sản xuất theo các tiêu chuẩn cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu như GAP, ASC (chiếm tỷ lệ trên 70%).
Kết quả giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã đạt 3.633ha (trong đó Bình Đại trên 1.800ha, Thạnh Phú trên 1.380ha, Ba Tri trên 450ha). Hiệu quả từ các mô hình nuôi tôm CNC mang lại lợi nhuận trung bình từ 700 - 800 triệu đồng/vụ nuôi.
Để phục vụ con giống tại chỗ cho các vùng nuôi, tỉnh còn có chính sách thu hút đầu tư xây dựng trại sản xuất giống có quy mô lớn. Cụ thể, khu sản xuất giống tôm nước lợ của Công ty TNHH Thủy sản công nghệ cao Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Việt Úc - Bến Tre, Công ty TNHH Thủy sản Toàn Cầu...
Phần lớn nguồn vốn để phát triển nuôi tôm ứng dụng CNC từ doanh nghiệp và hộ dân với nhu cầu vốn để sản xuất, ước tính 2.053 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Môi trường đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre hàng tháng, quý, năm đề nghị địa phương đề xuất nhu cầu vay vốn đối với các hợp tác xã, tổ chức, cá nhân. Đến cuối năm 2024, dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt gần 500 tỷ đồng.
“Định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh sẽ tập trung việc tổ chức liên kết chặt chẽ giữa cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu chủ động sản xuất. Với quyết tâm thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến tôm tại tỉnh, kết quả, đến nay, tại Khu công nghiệp Phú Thuận, huyện Bình Đại có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm, với công suất 36 ngàn tấn tôm thành phẩm/nhà máy/năm. Ước sản lượng tôm chế biến các loại đến cuối năm 2025 đạt trên 100 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD. Đến năm 2030 đạt trên 150 ngàn tấn cho giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD”.
(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Văn Buội)