Bình Đại khai thác tốt cảng cá và khu tránh bão

30/08/2013 - 15:13

Dự án Cảng cá Bình Đại được khởi công xây dựng năm 2003 và đưa vào hoạt động năm 2007 với tổng mức đầu tư là 19 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình Biển Đông Hải Đảo của Chính phủ.

Thời gian qua, Ban quản lý cảng đã tổ chức hoạt động bước đầu hiệu quả, tạo điều kiện khá tốt cho tàu của ngư dân vào cập cảng. Từng bước nâng cấp và mở rộng cảng cùng với việc đầu tư khu tránh trú bão là một cố gắng lớn của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm đồng bộ thì hiệu quả mới cao.

Khai thác tốt cảng cá

Cảng cá nằm trên địa bàn ấp 4, xã Bình Thắng (Bình Đại) với diện tích 16.866m2, bao gồm các hạng mục chính như: cầu tàu và cầu dẫn 600CV, cầu tàu 45CV, nhà tiếp nhận phân loại, nhà điều hành, trạm xử lý nước thải, hệ thống đường nội bộ và một số công trình phụ trợ khác. Năng lực bốc dỡ hàng thủy sản theo thiết kế 21.600 tấn/năm, khả năng tiếp nhận tàu cập cảng 600CV nhưng trên thực tế thời gian qua một số tàu có công suất 1.100CV vẫn cập cảng an toàn. Sau thời gian đưa vào hoạt động, vừa khai thác vừa kêu gọi đầu tư, đến cuối năm 2009, hệ thống dịch vụ trên cảng cơ bản đã hoàn chỉnh. Việc bố trí mặt bằng và sắp xếp các loại hình dịch vụ đúng theo quy hoạch của dự án. Đến nay, cảng cá Bình Đại có 26 cơ sở sản xuất kinh doanh với các loại hình như: Nhà máy nước đá công suất 1.000cây/ngày; cửa hàng xăng dầu công suất 120m3; 5 vựa cá; 14 cơ sở. Năm 2008 có 5.478 tàu cập cảng, có 12.545 tấn thủy sản lên cảng; doanh thu 800 triệu đồng; năm 2012 có 5.046 tàu cập cảng; có 25.197 tấn thủy sản lên cảng; doanh thu là 2,6 tỷ đồng. Công tác sắp xếp, điều động tàu ra vào cảng là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hoạt động của cảng cá. Thời gian đầu, cảng hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, các tàu cá luôn tranh giành nơi neo đậu, không tuân thủ sự sắp xếp của nhân viên cảng cá, gây mất an ninh trật tự, thậm chí đánh nhau gây thương tích. Trước tình hình trên, Ban quản lý cảng cá phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để có sự hợp tác giữa chủ tàu cá, các cơ sở thu mua với cảng cá nên vấn đề tàu cập cảng lên, xuống hàng hóa hiện nay cơ bản đi vào ổn định. Ngoài ra, để giải quyết tình hình quá tải của cảng cá, Ban quản lý cảng cá phối hợp với địa phương thành lập Đội bốc xếp dưới sự quản lý của cảng cá để bốc xếp hàng hóa tại cảng, số lượng ban đầu là 50 người, đến nay tăng lên 150 người, thành phần chủ yếu là lao động phổ thông tại địa phương. Sự ra đời của Đội bốc xếp đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ điều động tàu ra vào cảng, giải phóng hàng hóa nhanh, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu tình trạng quá tải, không để xảy ra hiện tượng tranh giành vị trí neo đậu như những ngày đầu mới đưa cảng vào hoạt động. Dự án mở rộng cảng cá Bình Đại do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư với tổng mức ban đầu là 130 tỷ đồng. Phần diện tích mở rộng là 3,5ha, nối liền cảng hiện hữu đến ngã ba sông Bình Châu và phần diện tích đất của Công ty cổ phẩn thủy sản Bình Đại. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, chủ yếu là vốn nên dự án chưa được triển khai. Vừa qua, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức thẩm định lại dự án, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt lại tổng mức đầu tư. Kết quả thẩm định tổng mức đầu tư là 114 tỷ đồng, so với tổng mức ban đầu giảm 15 tỷ đồng.

Phát huy hiệu quả khu neo đậu tránh trú bão

Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Bình Đại đưa vào sử dụng năm 2012. Đây là công trình tránh trú bão đầu tiên của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nghề cá tỉnh nhà và đảm bảo quốc phòng an ninh tại địa phương. Điểm thứ nhất: trên sông Bình Châu, thuộc địa bàn 2 xã Bình Thắng và Thị trấn Bình Đại với chiều dài luồng 5.100m, sức chứa 500 tàu có công suất từ 60CV đến 600CV, độ sâu vùng nước quay tàu trung bình từ -3,7m đến -5,1m. Toàn tuyến có 147 trụ neo tàu, 16 bộ phao dẫn luồng, 9 cột hướng dẫn biển báo, 1 đèn báo cửa và 1.080m đường công vụ phía ấp 5 - xã Bình Thắng. Điểm thứ hai: trên rạch Thừa Mỹ, thuộc địa bàn xã Thừa Đức với chiều dài luồng 1.850m, sức chứa 500 tàu có công suất dưới 60CV, có 11 cột hướng dẫn biển báo, 1 đèn báo cửa. Do luồng chạy tàu trên rạch Thừa Mỹ hẹp và cạn, hai bên là bãi bồi và rừng phòng hộ, chỉ phục vụ cho tàu có công suất nhỏ nên không đầu tư trụ neo tàu. Để quản lý và khai thác khu neo đậu đúng qui định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Quy chế quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá huyện Bình Đại. Thời gian qua, cảng cá Bình Đại phân công 6 nhân viên bảo vệ, 4 nhân viên kỹ thuật phụ trách công tác kiểm tra, bảo trì các hạng mục trong khu neo đậu. Đồng thời, phối hợp cùng với địa phương và ngư dân lập phương án sắp xếp neo đậu tàu trong khu neo đậu tránh trú bão trong điều kiện bình thường và khi có thiên tai xảy ra.

Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng trong điều kiện cảng cá thường xuyên bị quá tải, hệ thống công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng nhu cầu phục vụ cho tàu cá, nhất là lĩnh vực an toàn khi tàu ra vào cảng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường cần phải nâng cấp sửa chữa lớn. Trong điều kiện nguồn thu của đơn vị chỉ đủ để trang trải các hoạt động, việc sửa chữa lớn cần có sự hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Cần nạo vét vùng nước cầu tàu 600CV và 45CV; nâng cấp mặt cầu tàu 600CV, sửa chữa toàn bộ đệm chống va; nâng cấp trạm xử lý nước thải. Đối với dự án mở rộng cảng cá trong giai đoạn 1, chỉ đầu tư từ cảng hiện hữu đến ngã ba sông Bình Châu, nên việc giải phóng mặt bằng cũng trong phạm vi đầu tư giai đoạn 1. Để thuận lợi cho công tác quản lý, đề nghị giải phóng mặt bằng toàn bộ theo như dự án ban đầu, vì phần đất còn lại của giai đoạn 2 là đất của UBND tỉnh cho doanh nghiệp Ngọc Thanh thuê, chỉ bồi hoàn phần tài sản trên đất theo như thỏa thuận ban đầu giữa DN Ngọc Thanh và các sở, ngành trước khi lập dự án. Đối với khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, đề nghị huyện Bình Đại cho giải tỏa các hàng đáy cố định trên sông Bình Châu, tạo thông thoáng cho luồng chạy tàu trong khu neo đậu, đồng thời hỗ trợ tuyên truyền vận động các chủ tàu cá đưa tàu vào neo đậu trong khu neo đậu tránh trú bão trong điều kiện bình thường, tạo thông thoáng luồng chạy tàu từ ngã ba sông Bình Châu đến nhà máy nước đá Nam Phương. Đầu tư hệ thống đường tránh bão 2 bên bờ sông Bình Châu. Đầu tư hệ thống kè trên sông Bình Châu. Nạo vét luồng đoạn từ ngã ba sông Bình Châu đến Cửa Đại, phục vụ cho tàu vào cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn. Thả phao dẫn luồng đoạn từ ngã ba sông Bình Châu đến Cửa Đại.

VHĐ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN