Bà N.T.D có nhu cầu tư vấn: Tôi là nguyên đơn tranh chấp ranh đất với ông A, hồ sơ đã được Tòa án nhân dân (TAND) huyện thụ lý. Vụ việc này có ông H và bà M là hàng xóm lớn tuổi, biết rõ nguồn gốc nhưng hai người này sợ mích lòng và không chịu ra tòa làm chứng.
Xin hỏi: Tôi có thể yêu cầu Tòa án triệu tập ông H và bà M ra làm chứng không.
Thắc mắc của bà được luật sư Phạm Thị Kim Tuyến (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Theo quy định tại Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015: Người làm chứng là người biết các tình tiết liên quan đến nội dung vụ việc, được đương sự yêu cầu hoặc tòa án triệu tập tham gia tố tụng.
Điều 78 BLTTDS thì người làm chứng có quyền và nghĩa vụ sau: Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc; khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc; được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình; được nghỉ việc trong thời gian tòa án triệu tập; được thanh toán các khoản chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật...
Người làm chứng có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác; phải có mặt tại tòa án, phiên tòa, phiên họp theo giấy triệu tập của tòa án nếu việc lấy lời khai của người làm chứng phải thực hiện công khai tại tòa án, phiên tòa, phiên họp.
Trường hợp người làm chứng không đến phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ cản trở việc xét xử, giải quyết thì thẩm phán, hội đồng xét xử, hội đồng giải quyết việc dân sự có thể ra quyết định dẫn giải người làm chứng đến phiên tòa, phiên họp, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên. Người làm chứng phải cam đoan trước tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
Theo khoản 7, Điều 70 BLTTDS quy định thì đương sự có quyền đề nghị tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ. Đương sự cũng có quyền đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
Căn cứ quy định của các điều luật như trên và nhằm có thêm chứng cứ khách quan, phù hợp thì bà có thể làm đơn đề nghị tòa án thụ lý giải quyết vụ việc của bà xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ của vụ việc. Cụ thể như lấy lời khai của người làm chứng (ông H và bà M). Trong đơn đề nghị, bà cần cung cấp đầy đủ thông tin về ông H, bà M, mối quan hệ và lý do vì sao họ biết rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng phần đất tranh chấp.
H. Trâm (thực hiện)