Luật mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền SDĐ nông nghiệp của cá nhân lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất tại địa phương. Luật quy định mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa cho cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc SDĐ nông nghiệp manh mún không hiệu quả.
Luật Đất đai năm 2024 bổ sung quy định người SDĐ trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa, được sử dụng một phần diện tích đất xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.
Theo Điều 171 Luật Đất đai năm 2024, quy định về đất sử dụng ổn định lâu dài bao gồm: 1) Đất ở. 2) Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 4 Điều 178 của Luật này. 3) Đất rừng đặc dụng; đất rừng phòng hộ; đất rừng sản xuất do tổ chức quản lý. 4) Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của cá nhân đang sử dụng ổn định được Nhà nước công nhận mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê. 5) Đất xây dựng trụ sở cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật này; đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 199 của Luật này. 6) Đất quốc phòng, an ninh. 7) Đất tín ngưỡng. 8) Đất tôn giáo quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này. 9) Đất sử dụng vào mục đích công cộng không có mục đích kinh doanh. 10) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt. 11) Đất quy định tại khoản 3 Điều 173 và khoản 2 Điều 174 của Luật này.
Đ. Chính (tổng hợp)