Ông Nguyễn Văn Đỏ có nhu cầu tư vấn: Tôi là bị đơn trong vụ tranh chấp đất. Ông H và ông Q là người lớn tuổi ở cùng xóm biết rõ nguồn gốc đất và nói sẽ làm chứng vụ việc này. Thế nhưng cả hai ông đều ngại nên không chịu ra trước tòa để làm chứng. Xin hỏi, nếu ông H và ông Q không chịu ra trước tòa làm chứng, tôi phải làm sao?
Thắc mắc của ông được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:
- Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự (bao gồm nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) thì đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng. Đương sự có quyền, nghĩa vụ sau đây:
“1. Tôn trọng tòa án, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa…
5. Cung cấp tài liệu, chứng cứ; chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
6. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
7. Đề nghị tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ việc mà tự mình không thể thực hiện được; đề nghị tòa án yêu cầu đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang giữ; đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó; đề nghị tòa án triệu tập người làm chứng, trưng cầu giám định, quyết định việc định giá tài sản.
…”
Mặt khác, Điều 77 Bộ luật TTDS quy định: “Người làm chứng là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, được tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng”.
Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật TTDS, người làm chứng trong TTDS có quyền và nghĩa vụ như sau: Cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu, đồ vật mà mình có được có liên quan đến việc giải quyết vụ việc. Khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được. Được từ chối khai báo nếu lời khai của mình liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình hoặc việc khai báo đó có ảnh hưởng xấu, bất lợi cho đương sự là người có quan hệ thân thích với mình. Bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác...
Như ông đã trình bày, ông là bị đơn trong vụ án tranh chấp đất. Ông được thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị đơn. Cụ thể là yêu cầu tòa án triệu tập ông H và ông Q với tư cách là nhân chứng để trình bày các vấn đề liên quan đến tranh chấp và liên quan đến nguồn gốc đất mà 2 người này biết.
Tuy nhiên, ông H và ông Q cũng có quyền từ chối làm chứng cho ông theo quy định tại Điều 78 Bộ luật TTDS.
Ông có quyền làm đơn yêu cầu tòa án triệu tập người làm chứng (ông H, ông Q). Khi có giấy triệu tập của tòa án thì ông H và ông Q phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của người làm chứng theo quy định của pháp luật.
Thẩm phán thụ lý vụ án và hội đồng xét xử sẽ quyết định cần thiết phải có sự có mặt của người làm chứng hay không? Nếu cần thiết thì thẩm phán hoặc hội đồng xét xử sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác để thu thập chứng cứ từ người làm chứng. Như trường hợp ông H và ông Q ngại không chịu ra mặt trước tòa, theo lời mời của ông hoặc triệu tập của tòa án, thì tòa án sẽ đến nơi ở của ông H và ông Q để lấy lời khai, xác minh vụ việc nhằm làm rõ các vấn đề.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 490 Bộ luật TTDS về xử lý các hành vi cản trở hoạt động TTDS và cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa án, người làm chứng đã được tòa án triệu tập mà không đến thì có thể sẽ bị dẫn giải.
H. Trâm (thực hiện)