Người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo sẽ được hưởng BHYT 100%.
Theo đó, danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được chuyển lên tuyến chuyên sâu không cần giấy chuyển viện bao gồm các bệnh như: viêm màng não do lao; u lao màng não; lao khác của hệ thần kinh; lao hệ thần kinh không xác định; nhiễm mycobacteria ở phổi; nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính; nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi…
Đối với các bệnh lý ung thư như: u ác tụy; u ác tuyến ức; u ác của tim, trung thất và màng phổi; u ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; u ác của màng não; u ác của não; u ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương; u ác thứ phát của não và màng não; nhóm u ác tính; u ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan.
Các bệnh chuyển hóa như: hội chứng loạn sản tủy xương; các thể suy tủy xương khác; bệnh tăng đông máu khác (hội chứng kháng phospho lipid); hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (có đa biến chứng); rối loạn chuyển hóa acid amin thơm; các rối loạn khác của chuyển hóa acid amin.
Nhóm hội chứng sau mổ tim; rối loạn chức năng khác sau phẫu thuật tim; bệnh phổi mô kẽ khác; áp xe phổi và trung thất; mủ lồng ngực (nhiễm trùng nặng ở phổi); bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng); bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng… và một số bệnh hiếm, hiểm nghèo khác.
Theo Bộ Y tế, trong trường hợp người bệnh tự đi khám, chữa bệnh tại cấp chuyên sâu và được chẩn đoán mắc 62 bệnh lý trên, người bệnh được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định ngay trong lần khám, chữa bệnh đầu tiên. Bộ Y tế giao cơ sở y tế tư vấn, hướng dẫn cho người tham gia BHYT về các bệnh được đến khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà không phải thực hiện thủ tục chuyển viện. Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT.
Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắc, trong đó có tới 58% bệnh hiếm ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Việc tiếp cận với liệu pháp điều trị bệnh hiếm còn chậm và gặp nhiều thách thức.
Theo Nguyễn Quốc (Báo SGGP)