Đại diện các bên xung đột ở Libya tham gia cuộc đối thoại dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Maroc Nasser Bourita tại thị trấn ven biển Bouznika, phía nam Rabat ngày 6-9-2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 8-9-2020, hãng thông tấn MAP của Maroc đưa tin cuộc đàm phán giữa các đại diện của hai chính quyền đối địch ở Libya - gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) và nghị viện ở thành phố Tobruk miền Đông Libya - dưới sự trung gian của Maroc, đã đạt được một số thỏa hiệp.
Một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc đàm phán cho hay các bên đã đồng ý phối hợp để xóa bỏ nạn tham nhũng và hành vi lạm dụng công quỹ, đồng thời chấm dứt sự chia rẽ về thể chế. Tuyên bố nhấn mạnh hai bên đã có "những thỏa hiệp quan trọng" nhưng không nêu chi tiết cụ thể.
Ông Abdessalam al-Safraoui, trưởng phái đoàn của GNA, cho biết cuộc đối thoại tập trung vào việc sắp xếp các cơ quan chủ chốt của Libya. Hai bên hy vọng sẽ đạt được những kết quả tích cực và cụ thể, mở đường cho một giải pháp chính trị toàn diện.
Truyền thông Libya cho biết việc bổ nhiệm người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Libya, Tổng công ty Dầu khí quốc gia và các lực lượng vũ trang đang là những điểm bất đồng chính.
Cuộc đàm phán mang tên “Đối thoại Libya” diễn ra trong hai ngày (từ ngày 7-9) tại thị trấn ven biển Bouznika, phía Nam thủ đô Rabat của Maroc. Tham gia đàm phán có 5 thành viên của GNA và 5 đại diện của nghị viện ở miền Đông.
Cuộc đối thoại nhằm duy trì ngừng bắn và các cuộc đàm phán mở để giải quyết bất đồng giữa các phe đối địch tại Libya.
Đối thoại được tiến hành sau khi GNA được Liên hợp quốc công nhận và lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông ngày 21-8 vừa qua tuyên bố ngừng bắn trên cả nước.
Năm 2015, Maroc đã đăng cai các cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên xung đột ở Libya. Cuộc đàm phán tại thành phố Skhirat này dẫn đến thỏa thuận chính trị với việc thành lập GNA.
Tuy nhiên, sau thỏa thuận này, tại Libya vẫn tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng.
GNA, kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang nổi lên là những nhà trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột tại Libya.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+