Cần bổ sung lựa chọn về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai cho lao động nữ  

27/05/2024 - 20:50

BDK.VN - Sáng 27-5-2024, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi). Tham gia phát biểu thảo luận, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Yến Nhi, cơ bản đồng tình và đánh giá cao sự tiếp thu các ý kiến góp ý của ĐBQH đã đặt ra tại kỳ họp thứ 6 và qua các ý kiến góp ý của đại biểu tại hội nghị ĐBQH chuyên trách vừa rồi.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đại biểu có thêm một số ý kiến góp ý về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai (khoản 1 Điều 53): Theo đó, dự thảo luật quy định “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai”. Đối với nội dung này, qua tiếp xúc cử tri với công nhân, người lao động trong thời gian vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến góp ý.

Trên thực tế lao động nữ mang thai được chỉ định khám thai định kỳ để theo dõi, đảm bảo sức khỏe trong suốt quá trình mang thai. Tùy theo sức khỏe của thai phụ và sự phát triển của thai nhi mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những chỉ định trong việc khám thai, có khi là 30 ngày khám 1 lần hoặc thời gian ngắn hơn. Theo đại biểu, để có sự linh hoạt và đảm bảo hơn cho phụ nữ mang thai có điều kiện để đi khám thai, đề nghị quy định có thêm sự lựa chọn, đó là nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày hoặc tối đa 10 ngày (không giới hạn số lần) trong suốt thai kỳ để có thể đi khám thai định kỳ.

Về quy định BHXH một lần (Điều 74 và Điều 107): Qua phân tích của Ban soạn thảo và Cơ quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý những ưu điểm, hạn chế của từng phương án, đại biểu đề xuất lựa chọn phương án 1 để nhằm đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện.

Đại biểu đề xuất về lâu dài cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động mất việc làm, bệnh tật để những người này có thể vượt qua được những khó khăn trước mắt, tránh việc rút BHXH một lần.

Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành vi về BHXH của cơ quan BHXH (Điều 131): Tại điểm b khoản 3 dự thảo luật quy định “Thủ trưởng cơ quan BHXH cấp trên có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan BHXH cấp dưới trực tiếp đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết”. Đại biểu đề nghị nên tiếp tục kế thừa quy định về trình tự giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành vi về BHXH tại khoản 2, khoản 3 Điều 119 của Luật BHXH hiện hành sẽ phù hợp hơn với thực tiễn vì khi giao cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động là UBND các cấp giải quyết khiếu nại lần 2, đảm bảo sự khách quan cũng như thuyết phục hơn và phù hợp với quan điểm khiếu nại, tố cáo thì cần được quan tâm giải quyết dứt điểm từ cấp cơ sở trên nguyên tắc phát huy vai trò của chính quyền địa phương và sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị. Đồng thời, phù hợp với trách nhiệm của UBND các cấp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 139 của dự thảo luật.

Nếu giao thẩm quyền cho cơ quan BHXH ở Trung ương là BHXH Việt Nam giải quyết khiếu nại lần 2 đối với các vụ việc mà Giám đốc BHXH tỉnh đã giải quyết khiếu nại lần đầu sẽ phát sinh thêm nhiều vướng mắc trong thực tiễn vì BHXH Việt Nam có thể không thể quản lý các cơ quan, ban, ngành địa phương nên cũng rất khó khăn trong việc phối hợp giải quyết khiếu nại, đặc biệt là trong trường hợp có sai sót của người sử dụng lao động của cơ quan, ban, ngành liên quan ở địa phương, cơ quan BHXH không có đủ thẩm quyền để kết luận giải quyết. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tiếp tục kế thừa quy định của luật hiện hành.

Về tố cáo, giải quyết tố cáo BHXH (Điều 132): Tại khoản 2 quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH trước năm 1995 thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”. Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “trên cơ sở tham mưu của cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh”, nếu quy định như vậy chưa phù hợp và về nguyên tắc, luật chuyên ngành cũng chỉ cần quy định về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết tố cáo, trên thực tế tùy tính chất, nội dung của từng vụ việc, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là UBND cấp tỉnh có thể căn cứ nguyên nhân của việc phát sinh vụ việc, như vấn đề về tiền lương, về chức danh nghề nghiệp, về năm sinh, về thời gian công tác hay khen thưởng, kỷ luật và chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn giúp việc cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan ở địa phương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Thanh tra bảo hiểm để chủ trì tham mưu, đề xuất như thế sẽ đảm bảo được tính minh bạch, khách quan trong giải quyết tố cáo.

Tin, ảnh: Kim Hoa

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN