Hàng năm, nguồn lợi thủy sản từ biển mang đến cho ngư dân thu nhập rất cao nếu biết khai thác đúng cách, đúng tuyến, đúng qui định… Ngược lại, cứ khai thác tràn lan không đúng qui định sẽ gây thiệt hại không nhỏ đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến các loài thủy sinh, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Khi không còn gì để khai thác, ngư dân lại đi sang vùng biển thuộc quốc gia, lãnh thổ nước bạn để đánh bắt. Như thế là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam mà cụ thể là theo Nghị định số 103 của Chính phủ qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.
Theo đó, ở Điều 12 của Nghị định này ghi rõ: phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác.
Trong trường hợp phát hiện có hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo qui định của pháp luật hình sự.
Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi qui định tại Khoản 1 Điều này. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước đối với hành vi qui định tại Khoản 1 Điều này.
Thời gian qua, Đồn Biên phòng Hàm Luông đã phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền cho ngư dân và chủ phương tiện hiểu rõ qui định của pháp luật về khai thác thủy sản và việc vi phạm vùng biển nước ngoài. Các chủ phương tiện tuyệt đối chấp hành nghiêm qui định trên.