Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 18 – 24-1-2025.
Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025
Ngày 22-1-2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 22-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.
Công điện yêu cầu các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định...
Các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải lớn gây ô nhiễm các lưu vực sông; tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025...
Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2025
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 18-1-2025 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2025. Tại Nghị quyết, Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Dự án Luật cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính phủ bao gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các bộ, cơ quan ngang bộ; giữa các cơ quan của Chính phủ với các cơ quan ở Trung ương như Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao... và giữa các cơ quan của Chính phủ với chính quyền địa phương; phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện...
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu việc quy định chức năng của các cấp chính quyền phải phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cấp được quy định trong Hiến pháp, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, qua đó tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn...
Quy định mới quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa
Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2025/NĐ-CP ngày 20-1-2025 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
Nghị định quy định, việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai và các nguyên tắc sau đây:
Tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị; được thực hiện chế độ tính hao mòn tài sản và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật.
Việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo phương thức cho thuê quyền khai thác tài sản, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản được thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần của từng tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa. Trường hợp khai thác một phần của từng tài sản thì phải đảm bảo hoạt động giao thông đường thủy nội địa thông suốt, an toàn và không làm ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với phần tài sản còn lại...
Quy định mới về thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam thực hiện Hiệp định CPTPP
Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2025/NĐ-CP ngày 21-1-2025 bổ sung các quy định về thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man) hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (bao gồm cả 3 vùng lãnh thổ hải ngoại gồm Địa hạt Gu-en-xi, Địa hạt Giơ-xy và Đảo Man)...
Hỗ trợ gạo cho 8 địa phương dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt
Ngày 20-1-2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký các Quyết định: 190/QĐ-TTg, 191/QĐ-TTg, 210/QĐ-TTg giao Bộ Tài Chính xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương: Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Bắc Kạn, Đắk Nông, Sóc Trăng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và giáp hạt đầu năm 2025.
2 thành phố được công nhận đô thị loại I
Ngày 21-01-2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký các quyết định 195/QĐ-TTg, 199/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Rạch Giá và thành phố Phú Quốc là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Kiên Giang.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 21-01-2025 chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân (Dự án).
Mục tiêu của Dự án là xây dựng mới Bến cảng tổng hợp quốc tế Mỹ Xuân tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT.
Quy mô đầu tư Dự án gồm 08 bến, trong đó: Hạ lưu cầu Phước An gồm 02 tuyến bến, tổng chiều dài tuyến bến là 840m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 60.000 DWT; thượng lưu cầu Phước An gồm 02 tuyến bến xa bờ, tổng chiều dài tuyến bến là 1.055m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 DWT.
Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2025 đến năm 2030. Diện tích đất sử dụng khoảng 71,23 ha. Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 5.733 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng 2 khu công nghiệp
Tuần qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 201/QĐ-TTg ngày 21-01-2025, Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21-01-2025 về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Nghĩa Hưng, tỉnh Bắc Giang; khu công nghiệp Song Mai – Nghĩa Trung, tỉnh Bắc Giang.
Phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 202/QĐ-TTg ngày 21-01-2025 phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển thành phố Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các hoạt động kinh tế tri thức như đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế...
3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao
Ngày 22-01-2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký các quyết định công nhận 3 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Cụ thể, tại Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 22-01-2025, công nhận thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 22-01-2025, công nhận huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Tại Quyết định số 207/QĐ-TTg ngày 22-01-2025, công nhận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 23-1-2025 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 (Kế hoạch).
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch nhằm hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường; phát triển mạnh các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh; tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh, thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn.
Thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 231/QĐ-TTg ngày 24-1-2025 phê duyệt Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hoà theo hướng: (1) góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người dân nuôi biển và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; (2) bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ; (3) bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.
Phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24-1-2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam.
Mục tiêu chung của Đề án là phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã cam kết tại Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế các-bon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Nguồn: chinhphu.vn