Chính phủ Yemen cáo buộc lực lượng Houthi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn

09/08/2022 - 09:39

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Yemen Ahmed Awad bin Mubarak ngày 8-8-2022 đã cáo buộc lực lượng Houthi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ khi không mở lại các con đường xung quanh thành phố Taiz, vốn bị Houthi bao vây trong hơn 7 năm qua.

Các tay súng Houthi tại Sanaa, Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Các tay súng Houthi tại Sanaa, Yemen. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc gặp cùng ngày ở Amman với Ngoại trưởng Jordan - Ayman Safadi, ông Ahmed Awad bin Mubarak cho biết thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên đang mang lại hy vọng cũng như sự bình yên trên các mặt trận. Theo ông bin Mubarak, chính phủ được quốc tế công nhận của Yemen, hiện có trụ sở tạm thời tại thành phố Aden, ủng hộ bất kỳ động thái nào nhằm mở rộng thỏa thuận ngừng bắn, với mục tiêu đạt được một nền hòa bình lâu dài ở quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Yemen nói thêm vẫn còn một vấn đề không được giải quyết, đó là việc mở lại các con đường xung quanh các thành phố bị bao vây của tỉnh Taez và các tỉnh khác của Yemen.

Trong khi đó, lực lượng Houthi cho rằng Chính phủ Yemen không đảm bảo đủ số lượng tàu chở nhiên liệu như đã thỏa thuận cập cảng Hodeidah và áp hạn ngạch số chuyến bay đi và đến Sân bay quốc tế Sana’a. Hiện cả cảng Hodeidah và sân bay Sana'a đều nằm trong sự kiểm soát của Houthi.

Tuần trước, LHQ thông báo các phe phái đối địch tại Yemen đã nhất trí gia hạn lần thứ 2 - thêm 2 tháng thỏa thuận ngừng bắn do LHQ làm trung gian. Đặc phái viên LHQ về Yemen - ông Hans Grundberg cho rằng thỏa thuận ngừng bắn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2-4-2022, đã giúp giảm đáng kể tình trạng xung đột và con số thương vong. Các chuyến bay thương mại từ Sân bay quốc tế Sana'a cũng đã được nối lại. Theo quan chức LHQ, việc gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen sẽ tạo cơ hội hướng đến một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở quốc gia Trung Đông này.

Cuộc xung đột kéo dài tại Yemen cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh đói khổ. Kể từ năm 2015, khi liên quân Arab do Saudi Arab dẫn đầu can thiệp quân sự vào Yemen để chống lại lực lượng Houthi, nền kinh tế và các dịch vụ cơ bản của Yemen đã sụp đổ, khiến 80% trong tổng số dân khoảng 30 triệu người của nước này cần cứu trợ khẩn cấp. Giá lương thực tăng cao có nguy cơ khiến nhiều người rơi vào cảnh đói khổ hơn, do tình trạng thiếu hụt kinh phí đã buộc LHQ phải cắt giảm viện trợ lương thực.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN