Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm Trung Quốc 4 trong vòng 1 năm qua cho thấy Bình Nhưỡng hết sức coi trọng mối quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình tới Bình Nhưỡng được cho là “hợp tình, hợp lý” và đúng với nghi lễ ngoại giao, đồng thời được truyền thông trong và ngoài Trung Quốc khẳng định là minh chứng rõ ràng về quan hệ nồng ấm trở lại giữa hai nước, qua đó cho thấy vai trò của Bắc Kinh với tư cách là một nhân tố chủ chốt trong các chuyển động địa-chính trị trên Bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực Đông Bắc Á nói chung.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc tới quốc gia láng giềng Đông Bắc Á trong vòng 14 năm trở lại đây.
Chọn đúng dịp hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao để tổ chức chuyến thăm, Trung Quốc muốn nhấn mạnh với Triều Tiên về mối quan hệ hữu nghị truyền thống gần gũi đã tồn tại suốt 7 thập niên giữa hai nước. Trong những năm gần đây, hai nước đã tích cực hợp tác để cải thiện quan hệ song phương, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi Bắc Kinh ủng hộ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng liên quan các hoạt động hạt nhân của nước này.
Quan hệ hợp tác kinh tế Triều-Trung trở nên mật thiết hơn sau loạt chuyến công du của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc. Giao dịch thương mại hai nước đã xuất hiện điểm sáng trong tháng 3-2019 khi tăng tới 38,1%, hồi phục trở lại mức đạt được vào 6 tháng cuối năm 2018.
Khu vực biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. (Nguồn: Getty Images)
Xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc trong tháng 3 đã đạt 16,56 triệu USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 38,5%, đạt 197,9 triệu USD. Đây là mức tăng ấn tượng nếu so với năm 2018, khi nhập khẩu từ Triều Tiên vào Trung Quốc giảm 88%, xuống còn 1,42 tỷ Nhân dân tệ (209 triệu USD), xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên giảm 33% xuống còn 14,67 tỷ Nhân dân tệ (2,2 tỷ USD).
Cùng với kết quả kinh tế tích cực, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, và quan trọng hơn, phát đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng của Triều Tiên. Ngay trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch Trung Quốc cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Triều Tiên nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán hiện đang đình trệ giữa Bình Nhưỡng và Washington. Đây được xem là một động thái công khai nữa minh chứng cho mối quan hệ song phương thân thiện và gần gũi của hai quốc gia.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Triều Tiên thể hiện mối quan hệ bền chặt giữa hai nước, và quan trọng hơn, phát đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn là đồng minh quan trọng của Triều Tiên.
Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tích cực đóng góp cho sự hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực bằng cách tăng cường liên lạc và phối hợp với Triều Tiên, cũng như các bên liên quan khác, nhằm đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán về tình hình bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Triều Tiên trong việc tiếp cận đúng đắn các giải pháp chính trị liên quan bán đảo Triều Tiên.
Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều đang lâm vào bế tắc do cách tiếp cận khác nhau của hai bên trong vấn đề phi hạt nhân hóa, tuyên bố của nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể coi như sự ủng hộ về chính trị đối với Triều Tiên. Ông Tập Cận Bình có thể tận dụng chuyến thăm Triều Tiên lần này để củng cố quan hệ với đồng minh địa-chính trị quan trọng, đồng thời gia tăng ảnh hưởng với Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2018. (Nguồn: Getty Images)
Bên cạnh đó, chuyến đi Triều Tiên là một phần chiến lược tăng cường ngoại giao láng giềng của Trung Quốc, qua đó Bắc Kinh muốn khẳng định rằng vai trò của Trung Quốc không thể bị bỏ qua, cho dù là ở Đông Bắc Á hay sự kiện đa quốc gia như G20. Với tư cách là cường quốc ở Đông Bắc Á, Trung Quốc đã là một bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đương nhiên Bắc Kinh không muốn bị “gạt ra bên lề” trong tiến trình giải quyết vấn đề này.
Năm 2017, khi mâu thuẫn Mỹ-Triều leo thang tột độ, Trung Quốc cùng với Nga đã đề xuất cơ chế “cùng dừng” để hạ nhiệt căng thẳng, đó là Triều Tiên ngừng các vụ thử hạt nhân-tên lửa, trong khi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, các nhà phân tích Trung Quốc lạc quan nhận định rằng chuyến thăm này có thể giúp nối lại đàm phán phi hạt nhân giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trung Quốc đã là một bên tham gia vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và đương nhiên Bắc Kinh không muốn bị “gạt ra bên lề” trong tiến trình giải quyết vấn đề này.
Đặc biệt, kế hoạch chuyến thăm được công khai ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nhận được một bức thư rất “tuyệt vời” và “ấm áp” từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố dường như ngụ ý về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng muốn chuyển một thông điệp tới Mỹ về “vai trò không thể thiếu” của Bắc Kinh trong các vấn đề ở Đông Bắc Á, đặc biệt là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Hiện căng thẳng của Bắc Kinh với Washington đang leo thang xung quanh các vấn đề thương mại, công nghệ và nhiều mặt trận khác, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ có thể gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản cuối tuần này. Bắc Kinh được cho đang tìm cách “đảo ngược” những quyết định của Tổng thống Mỹ nhằm vào Trung Quốc, như tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hay trừng phạt tập đoàn công nghệ Huawei.
Yếu tố Triều Tiên có thể được Trung Quốc coi như “quân át chủ bài” trên bàn thương lượng với Mỹ. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Trump, trong tiến trình tranh cử nhiệm kỳ hai, có thể tận dụng vấn đề Triều Tiên như một thành tích đối ngoại bởi ông đã tạo được dấu ấn với hai cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên, điều không người tiền nhiệm nào của ông làm được. Tuy nhiên, thế bế tắc hiện nay trong đàm phán hạt nhân phần nào tác động và đương nhiên ông Trump muốn thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Bởi vậy mà yếu tố Triều Tiên có thể được Trung Quốc coi như “quân át chủ bài” trên bàn thương lượng với Mỹ.
Xét cho cùng, Trung Quốc và Mỹ có những mục tiêu tương đối nhất quán đối với quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, bởi bất ổn và căng thẳng tại khu vực này không có lợi cho cả hai bên. Hiện vẫn còn không gian để Trung Quốc và Mỹ hợp tác nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo, cho dù hai bên vẫn còn những khác biệt trong việc thực thi phi hạt nhân hóa và trong việc phán đoán tình hình ở Đông Bắc Á.
Yếu tố Triều Tiên có thể được Trung Quốc coi như “quân át chủ bài” trên bàn thương lượng với Mỹ.
Nếu Trung Quốc phát huy được vai trò cũng như ảnh hưởng đặc thù của mình trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên, điều này sẽ giúp gia tăng hiểu biết chiến lược giữa lãnh đạo hai nước Mỹ-Trung, đồng thời chứng tỏ Bắc Kinh là đối tác quan trọng của Washington trong việc giải quyết vấn đề an ninh khu vực.
Đối với Bình Nhưỡng, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ là một dấu mốc nữa trong hoạt động ngoại giao của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau chuyến thăm của ông tới Nga và gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Từ khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội tháng 2/2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cụ thể, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho đang tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh chủ chốt như Nga hay Trung Quốc trong các vấn đề phi hạt nhân hóa. Quan điểm mà Trung Quốc thể hiện trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên tỏ ra phù hợp với lợi ích của Bình Nhưỡng.
Hơn thế nữa, xây dựng quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ giúp Triều Tiên duy trì được thế cân bằng chiến lược trong quan hệ với các quốc gia láng giềng Đông Bắc Á vốn là đồng minh chủ chốt của Mỹ, như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đặc biệt, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất, chiếm 90% ngoại thương của Triều Tiên, và cũng là nguồn viện trợ trực tiếp hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Có thể nói, trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên sẽ tạo điều kiện để hai nước tiến hành trao đổi chiến lược hữu hiệu hơn, phối hợp điều phối hành động trong những vấn đề hạt nhân chung lợi ích.
Cho dù tính toán của hai bên không hoàn toàn giống nhau, song cuộc gặp cấp cao Trung–Triều lần này có thể tạo lực đẩy để các bên liên quan trên bàn đàm phán hạt nhân tìm cách thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay.
Nguồn: Vietnam+