Cùng chăm lo cho người cao tuổi

05/06/2010 - 06:16

Luật người cao tuổi được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 (ngày 23 tháng 11 năm 2009) thông qua. Luật có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2010, Ban công tác người cao tuổi cấp tỉnh đã có các giải pháp tổ chức triển khai thực hiện Luật nhằm phát huy tối đa vai trò người cao tuổi tỉnh nhà.

Bến Tre hiện có 125.126 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm tỷ lệ 9,97% tổng số dân của tỉnh. Trong đó, nam 48.332 người, nữ 76.794 người. Huyện có số người cao tuổi nhiều nhất là Giồng Trôm (19.075 người); Ba Tri (17.848 người); ít nhất là thành phố Bến Tre (9.773 người);  Chợ Lách 10.393 người. Với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho người cao tuổi; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của người cao tuổi, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động về kinh tế, văn hóa, thể dục, thể thao; tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và tăng cường sự lãnh chỉ đạo của chính quyền các cấp trong việc chăm sóc người cao tuổi, năm 2010, Ban Công tác người cao tuổi cấp tỉnh (Ban) đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 285/KH-UBND về thực hiện công tác người cao tuổi năm 2010.
Theo đó, năm 2010 toàn tỉnh phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu: 100% người cao tuổi neo đơn, tàn tật thuộc hộ nghèo, người 85 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội được trợ cấp xã hội (theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP); 9/9 huyện, thành phố thành lập ban công tác người cao tuổi; duy trì Quỹ chăm sóc người cao tuổi, thực hiện đúng theo chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi. Ban tiến hành củng cố nâng chất lượng nhà xã hội Hưng Khánh Trung A (Mỏ Cày Bắc) và phấn đấu xây mới 1 nhà xã hội; duy trì 3 mô hình tình nguyện viên chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng tại xã Định Trung, Thị trấn và Thạnh Trị (Bình Đại). Ban công tác người cao tuổi các cấp tiếp tục thực hiện tốt công tác vận động hỗ trợ nhà ở người cao tuổi nghèo khó khăn về nhà ở; 90% hộ có người cao tuổi đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; tổ chức tập huấn Luật Người cao tuổi cho cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội và cán bộ chăm sóc người cao tuổi. Để thực thi các nội dung trên, các giải pháp chủ yếu cần tập trung: các cấp, các ngành tạo điều kiện để người cao tuổi phát huy tài năng, trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp trong việc tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, vận động con cháu thực hiện tốt chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia sản xuất kinh doanh tùy theo điều kiện, sức khỏe; khôi phục các nghề truyền thống, dạy nghề, truyền nghề, làm dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống…, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi học tập và rèn luyện kiến thức văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, truyền đạt những kỹ năng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, gương mẫu đi đầu và làm nòng cốt trong phong trào xây dựng xã hội học tập, xây dựng gia đình, dòng họ hiếu học; tạo điều kiện để người cao tuổi được tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách pháp luật của nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về: Luật Người cao tuổi, các chuyên đề, các gương sáng “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” nhằm tôn vinh người cao tuổi và nâng cao ý thức của mọi người đối với người cao tuổi. Ban còn tổ chức phổ biến các thông tin, kiến thức khoa học về công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần người cao tuổi; tâm lý, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi. Trong tuyên truyền, các ngành cần tập trung chống mọi hình thức ngược đãi đối với người cao tuổi. Các ngành các cấp thực hiện tốt chính sách trợ giúp người cao tuổi neo đơn, người 85 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội (theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP). Ban công tác người cao tuổi các cấp có nhiều hình thức khuyến khích vận động các hoạt động tương thân tương ái, quan tâm chăm sóc nhau giữa các thế hệ trong gia đình, xóm, ấp, các tổ chức. Đồng thời, Ban còn vận động cá nhân nhận phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi cô đơn, tàn tật không có thu nhập. Các ngành cần ưu tiên giải quyết trước đối với hộ cao tuổi cô đơn, nhà ở tạm bợ; tiếp nhận và chăm sóc nuôi dưỡng tốt người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh tập trung vận động và phát triển Quỹ “Toàn dân chăm sóc người cao tuổi”. Ngành y tế tổ chức khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở các tuyến y tế cơ sở; duy trì và nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào lực lượng tình nguyện viên tại cộng đồng. Đặc biệt, các ngành tổ chức đi thăm, mừng thọ, động viên tinh thần người cao tuổi nhân dịp Ngày Quốc tế người cao tuổi 1-10, Ngày người cao tuổi Việt Nam 6-6 và các dịp lễ, Tết Nguyên đán. Phát động phong trào văn hóa, văn nghệ ở các cơ sở, tổ chức hội thi thơ ca, tiếng hát người cao tuổi; tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, phát triển phong trào thể dục, thể thao người cao tuổi. Ban thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác người cao tuổi, cán bộ lao động - TB và XH các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở; hội các cấp tiếp tục vận động người cao tuổi tham gia tổ chức người cao tuổi; xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình câu lạc bộ hội; tuyên truyền vận động mọi người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý.

T.Lam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN