Đại biểu Quốc hội đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi mua bán thai nhi 

24/06/2024 - 16:38

BDK.VN - Sáng 24-6-2024, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, các chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định tại một số dự án Luật mới có liên quan đến đến việc phòng, chống mua bán người được sửa đổi, bổ sung.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm từ 2018 - 2022, cả nước đã phát hiện 394 vụ, với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người. Nếu trong giai đoạn trước đây từ 2012 - 2020, các vụ mua bán người chủ yếu mang ra nước ngoài chiếm trên 80% số vụ, thì thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước, riêng năm 2022 chiếm đến 45% tổng số vụ. 

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phát biểu tại phiên thảo luận.

Mua bán người được Liên Hợp Quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Ngày nay công nghệ phát triển, các đối tượng chỉ cần ngồi tại một vị trí sử dụng mạng zalo, facebook để kết nối dụ dỗ đưa người ra nước ngoài hoặc trao đổi mua bán nạn nhân ngay trong nội địa.

Chính vì vậy, đại biểu cho rằng, việc để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là cần thiết.  

Theo báo cáo của Bộ Công an, số vụ phạm tội mua bán người có chiều hướng gia tăng hàng năm, đặc biệt thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Đáng chú ý, hành vi mới xuất hiện là mua bán thai nhi trong bụng mẹ, việc mua bán thai nhi bắt đầu diễn ra từ thời điểm đang mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, nên chưa có hậu quả xảy ra, dẫn tới khó khăn cho công tác xử lý. Theo pháp luật hình sự nước ta hiện nay, quyền công dân bắt đầu từ khi đứa trẻ được sinh ra, còn khi vẫn còn đang trong bào thai bụng mẹ, chưa thể coi là con người,  chưa thuộc đối tượng có hành vi phạm tội. Vì vậy, cơ quan chức năng không có căn cứ pháp lý để xử lý hình phạt hành vi mua bán thai nhi.

Bên cạnh đó, pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay chưa quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi, vì thai nhi không phải là trẻ em được sinh ra. “Tuy nhiên trên thực tiễn hiện nay, tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục và chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Do đó, cần bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi”, đại biểu nêu ý kiến.

Đối với quy định cụ thể về cơ sở chuyên biệt hỗ trợ nạn nhân mua bán người dành cho nam giới và phụ nữ, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng, các cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện đón tiếp nạn nhân bị mua bán không có khu vực trợ giúp nạn nhân mua bán người chuyên biệt, lồng ghép vào ở chung với các nhóm đối tượng khác. Do đó, gây lúng túng trong việc triển khai thực hiện công tác hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, còn khoảng trống nhất định trong việc bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ giữa nạn nhân nam và nữ. Các dịch vụ hỗ trợ mới chỉ tập trung vào nạn nhân nữ bị mua bán qua biên giới làm vợ hoặc làm mại dâm, còn những nhóm có nguy cơ khác như nam công nhân làm việc tại các công trường xây dựng, dịch vụ, đánh bắt hải sản hoặc những người bị mua bán trong nội địa thường ít nhận được sự quan tâm. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ quyền của nạn nhân bị mua bán, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu giới, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ…

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, cần có giải pháp đối với hành vi mua bán thai nhi.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đề nghị, dự thảo Luật cân nhắc điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người. Đại biểu cho biết, hiện nay xuất hiện hành vi mới trong đời sống xã hội là mua bán thai nhi trong bụng mẹ. Xét dưới góc độ pháp luật, hành vi của người mẹ có con rồi bán cũng là hành vi phải quy định là hành vi buôn bán người và có dấu hiệu phạm tội của mua bán người. Tuy nhiên, thực tế pháp luật hiện nay chưa quy định nên không có cơ sở xem xét.

Bộ luật Hình sự 2015 cũng như pháp luật về phòng, chống mua bán người cũng chưa có quy định nào về vấn đề trên. Do đó, đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi đang trong bụng mẹ trước tình trạng gia tăng hiện nay. 

Mặt khác, hiện nay các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người được che giấu bởi các hình thức rất phức tạp như tham quan du lịch, ký kết hợp đồng kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới, nhận con nuôi thông qua các đối tượng là pháp nhân thương mại… Do đó, đại biểu đề nghị cần phải xem xét, cân nhắc bổ sung chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là pháp nhân thương mại đối với tội buôn bán người. Từ đó, kịp thời điều chỉnh phù hợp thực tiễn về tình hình mua bán người có kết cấu tổ chức chặt chẽ, đa quốc gia như hiện nay.

Nguồn: TTXVN/Báo Tin Tức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN