Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

06/06/2022 - 05:59

BDK.VN - Trong buổi thảo luận ở Tổ về 2 nội dung: Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre có 2 đại biểu tham gia phát biểu gồm: Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Võ Văn Hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Thảo luận Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy thống nhất cao với việc sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí. Luật Dầu khí được ban hành ngày 6-7-1993, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000, 2008. Đại biểu cho rằng qua thời gian, việc thực hiện các quy định của Luật có nhiều bất cập, hoạt động khai thác dầu khí có nhiều thay đổi, vì vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết để các quy định của Luật phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Lý do thứ hai, ngành dầu khí là một ngành đặc biệt, trữ lượng dầu ngày càng cạn kiệt, việc khai thác ngày càng khó khăn, đòi hỏi những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao mới có thể thăm dò và khai thác được. Ngoài ra, sửa đổi Luật để các quy định về đầu tư thăm dò, khai thác, quản lý dầu khí được tương thích, phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước mà Việt Nam tham gia ký kết, cũng như đảm bảo sự phù hợp, thống nhất với hệ thống các quy định của pháp luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Quốc phòng, Luật Thuế…Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo Luật, đại biểu góp ý một số nội dung:

Tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, dự thảo Luật đã giải thích từ “dầu khí”, tuy nhiên, trong dự thảo có những chỗ sử dụng từ “dầu” riêng và từ “khí” riêng. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải thích từ ngữ đối với từ “dầu” và từ “khí” vào Điều 3 để các từ này được hiểu rõ và áp dụng thống nhất.

Tại Điều 4 về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, tại khoản 2, dự thảo quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Dầu khí có hiệu lực thi hành về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, điều kiện thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; lựa chọn nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí thì thực hiện teo quy định của Luật Dầu khí”. Đại biểu cho rằng cách viết như trên dài nhưng không cần thiết, vấn đề hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi năm 2020). Do đó, đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Dầu khí và luật khác đã được ban hành thì thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại Điều 5 về chính sách của Nhà nước về dầu khí, khoản 4 có quy định “Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm khuyến khích phát triển, khai thác các đối tượng phi truyền thống, các lô, mỏ dầu khí nằm ở vùng nước sâu…”. Đại biểu đề nghị làm rõ “đối tượng phi truyền thống” là gì, vì cụm từ này khá khó hiểu và chưa được giải thích từ ngữ. Tại khoản 5, dự thảo quy định “Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân chia sẻ và tiếp cận, sử dụng các công trình và cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí để thực hiện điều tra cơ bản”, đại biểu đề nghị bổ sung từ “liên kết” vào sau từ “chia sẻ” nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường chia sẻ, liên kết tiếp cận, sử dụng các công trình và cơ sở hạ tầng sẵn có của ngành dầu khí để thực hiện điều tra cơ bản.

Tại Điều 6 về nguyên tắc thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, khoản 2 dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải tuân thủ quy định về quốc phòng, an ninh, an toàn, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di sản văn hóa”. Đại biểu cho rằng việc liệt kê các quy định trên các lĩnh vực cần phải tuân thủ như trên là dài mà vẫn chưa đầy đủ, đại biểu đề nghị nên liệt kê theo hướng viện dẫn các hệ thống pháp luật có liên quan như: Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học, Luật Biển Việt Nam…Tại khoản 3, dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế”. Đại biểu đề nghị làm rõ là khuyến khích áp dụng hay bắt buộc áp dụng, theo đại biểu, nếu là nguyên tắc thì phải bắt buộc áp dụng, và áp dụng theo đúng Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Ngoài ra, đại biểu còn đóng góp nhiều ý kiến khác tại các Điều 7, 8, 17, 18, 23, 24, 25, 26, 28, 29, 30, 31 của dự thảo Luật.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Đại biểu Võ Văn Hội phát biểu tại phiên thảo luận Tổ.

Cùng góp ý cho dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), tại điểm a, khoản 1, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, dự thảo luật quy định “Tuân thủ nội dung đề án đã được phê duyệt”, đại biểu Võ Văn Hội đề nghị bổ sung, chỉnh sửa thành “Tuân thủ quy định của pháp luật, tuân thủ nội dung đề án đã được phê duyệt”. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung vào Chương X Quản lý nhà nước về dầu khí trách nhiệm của hai bộ: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng vì đây là hai bộ ngành có vai trò liên quan khá quan trọng nên cần làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về dầu khí.

Đối với dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, các đại biểu cơ bản thống nhất.

Tin, ảnh: Ái Thi

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN