Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bến Tre thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

23/10/2022 - 11:00

BDK.VN - Ngày 22-10-2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV, đại biểu QH thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023 - 2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý); tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn Đại biểu QH tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế xã hội.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Đoàn đại biểu QH tỉnh Bến Tre tham gia thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Thanh Lam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội thống nhất cao kết quả các báo cáo nêu trên cũng như một số giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về lĩnh vực xã hội như sau:

Về lĩnh vực người có công: Tại điểm e, khoản 2, Điều 5 có nêu việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công, căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng gia đình khi có khó khăn về nhà ở nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện chính sách này đối với người có công với cách mạng. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có quan tâm sớm có hướng dẫn để các địa phương tổ chức rà soát và tổ chức thực hiện giai đoạn 2021-2025, chú trọng việc thống kê chính xác về đối tượng và số lượng.

Về việc tăng lương cho các nhóm đối tượng chính sách người có công: Trước đây, trong những lần tăng lương, cao hơn mức chuẩn hộ nghèo tỷ lệ 20,8% vẫn thấp hơn chuẩn nghèo của hiện tại khu vực thành thị và thấp hơn so với kỳ tăng lương trước đây. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm để làm sao đảm bảo được mục tiêu, người có công có mức sống ngang hoặc bằng với khu dân cư nơi cư trú. Liên quan tới việc tăng lương cơ sở, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm nhóm đối tượng thuộc lĩnh vực trợ giúp xã hội là nhóm người cao tuổi neo đơn, người nghèo không nơi nương tựa, để khi nâng mức chuẩn thì cũng đảm bảo cuộc sống cho họ.  

Liên quan đến lĩnh vực giảm nghèo: Đại biểu còn băn khoăn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hiện nay, nước ta thực hiện chậm 1 năm so với chương trình, một số tỉnh chưa được giải ngân hoặc chưa tiếp cận được vốn, theo dự kiến chỉ còn 3 năm nữa là kết thúc chương trình. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có các giải pháp cho 3 năm tiếp theo, đặc biệt năm 2023 tập trung các nguồn vốn cho 3 chương trình gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, khẩn trương triển khai chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, đây là một trong những tiêu chí mới góp phần quan trọng trong việc tăng thu nhập cho người nghèo. Đây là giải pháp căn cơ nhất nhưng hiện nay các địa phương chưa nhận được văn bản hướng dẫn về các nội dung của dự án. Đề nghị Chính phủ sớm có văn bản có hướng dẫn.

Về Chương trình cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và Chương trình hỗ trợ nhà ở, đại biểu cho rằng hiện nay bố trí nguồn lực, triển khai còn chậm. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách mới để hỗ trợ cho người dân tiếp cận vay vốn cải thiện khó khăn về nhà ở.  

Về tệ nạn xã hội: Theo đại biểu, hiện nay còn một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện về việc tổ chức người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Đa số các địa phương đều không có đơn vị cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy ở cơ sở, nhưng cơ quan quản lý nhà nước thì chưa có sự hướng dẫn nên đa phần các địa phương chưa tổ chức được cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Các đối tượng nghiện ma túy, người nghiện sống bên ngoài cộng đồng rất nhiều, gây ra việc gây mất an toàn, an ninh trật tự. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước sớm có hướng dẫn quy định về chuyên môn, nghiệp vụ để có đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng là điều kiện cần và đủ để thực hiện tốt Luật Phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư nguồn lực để nâng cấp, sửa chữa các cơ sở cai nghiện ma túy để đảm bảo các cơ sở được nâng cấp, sửa chữa một cách đồng bộ để thực hiện tốt công tác cai nghiện, điều trị và phục hồi đối với người nghiện ma túy tại các địa phương.

Tin, ảnh: Hồng Yến

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN