|
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, Hậu Giang, Quảng Trị, Tây Ninh thảo luận tại tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN) |
Sau khi dành một ngày (22-3) để nghe báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của các cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tại hội trường, sáng 23/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Qua thảo luận, cơ bản các ý kiến thống nhất với
nhiều nội dung trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước,
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Nhiều ý kiến đánh giá các bản báo cáo đã được
chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, thể hiện được trách nhiệm của các cơ quan Nhà
nước, Quốc hội và Chính phủ trước nhân dân và cử tri cả nước. Các ý kiến đánh
giá các bản báo cáo của cơ quan Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã nghiêm túc,
thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, yếu kém, nguyên nhân của những hạn chế
yếu kém và các bài học kinh nghiệm để khóa tới hoạt động hiệu quả hơn. Những
bài học kinh nghiệm được đúc rút, là kim chỉ nam để nhiệm kỳ tới kế thừa, phát
huy những kết quả đã làm được, tích cực khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu
kém...
Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần có
tính ổn định
Nhiều ý kiến đại biểu đã thẳng thắn đánh giá về
những kết quả, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; nguyên nhân của những hạn chế, yếu
kém; tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội,
đoàn đại biểu Quốc hội.
Nêu lên các bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi
mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhiều ý kiến ghi
nhận và đánh giá cao Quốc hội khóa XIII đã tập trung xây dựng, ban hành Hiến
pháp năm 2013, hoàn thành hệ thống văn bản pháp luật cụ thể hóa Hiến pháp, tạo
lập nền tảng pháp lý quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển
đất nước và hội nhập quốc tế.
Sau khi Hiến pháp được ban hành, Quốc hội, Chính
phủ, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị đã
khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đưa Hiến pháp vào cuộc sống; quy trình
lập pháp có nhiều cải tiến, đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính
dân chủ, công khai, minh bạch, cụ thể trong các văn bản pháp luật.
Đặc biệt Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều
vấn đề quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã
hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...; bảo đảm bám sát yêu cầu thực tế, phát
huy hiệu quả trong cuộc sống; tiến hành giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tạo
chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi pháp luật, góp phần bảo đảm để Hiến
pháp, pháp luật phát huy hiệu lực trong cuộc sống. Hoạt động đối ngoại của Quốc
hội được tăng cường, đạt kết quả thiết thực, góp phần tăng cường quan hệ hữu
nghị, hợp tác giữa Quốc hội và Nhân dân Việt Nam với Quốc hội và Nhân dân các
nước trên thế giới.
Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt
Hường (Hà Nội), việc tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế
giới (IPU-132) là một dấu ấn đặc biệt của Quốc hội khóa XIII, góp phần thúc đẩy
hoạt động ngoại giao nghị viện, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc
tế, đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.
Cùng với những kết quả đáng ghi nhận, các ý kiến
cũng đã chỉ rõ nhưng mặt còn hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Quốc hội. Đó
là việc vẫn phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng cần
phải có tính ổn định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để các cơ quan
chức năng, ban soạn thảo chủ động trong việc thực thi đồng thời cũng thể hiện
trách nhiệm của các bên liên quan trong việc trình các dự án luật đúng thời
hạn, tránh tình trạng đến thời hạn trình luật lại viện ra nhiều lý do để lý
giải cho việc chưa trình được dự luật.
Theo đại biểu, trong nhiệm kỳ tới, ban soạn thảo
phải đảm bảo chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động khi trình luật bởi
đại biểu Nguyệt Hường nhìn nhận đây chính là nguyên nhân sâu xa ảnh hưởng tới
"sức sống" của luật đồng thời cần khẩn trương ban hành các văn bản
hướng dẫn thi hành để đảm bảo luật đi vào cuộc sống.
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, một số ý
kiến cho rằng trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm
của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi,
đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt,
không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; việc giải
quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri chưa đạt yêu cầu.
Đại biểu Hà Ngọc Chiến (Cao Bằng) đề nghị sau
mỗi lần tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp, Quốc hội cần tập hợp các ý kiến,
kiến nghị của cử tri để ra Nghị quyết giải quyết cụ thể các kiến nghị của cử
tri, đồng thời phải tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc giải
quyết các kiến nghị đó. Đại biểu nhấn mạnh đây là điểm cần được khắc phục trong
nhiệm kỳ tới của Quốc hội.
Góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch,
vững mạnh
Lĩnh vực tư pháp là một trong những kết quả công
tác được nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ
2011-2016 của Chủ tịch nước. Trên cương vị của mình, Chủ tịch nước quan tâm chỉ
đạo sát sao công tác cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong
sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng
sự Tổ quốc, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp xây
dựng nhiều đề án quan trọng về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp;
tổng kết 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải
cách tư pháp đến năm 2020; góp ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến
pháp và một số luật có nội dung liên quan đến hoạt động tư pháp; xem xét, giải
quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu
oan sai được dư luận xã hội quan tâm, khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục
quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của
tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng...
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đánh giá
cao trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp,
Chủ tịch nước trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối ngoại, đã triển khai tích cực và có hiệu quả
chương trình công tác đối ngoại, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế
ngày càng sâu rộng và toàn diện của Việt Nam. Trên cơ sở tán thành với 7 đề
xuất phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đại biểu Quốc Khánh mong rằng
Chủ tịch nước tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, gần dân, sát dân để
lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân.
Một số ý kiến tán thành với những nguyên nhân
của hạn chế được đề cập tại báo cáo đó là nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch
nước được Hiến pháp và pháp luật quy định, song trên thực tế còn thiếu cơ chế
cụ thể, đủ hiệu lực thực thi nên khi triển khai còn vướng mắc; cải cách tư pháp
là một quá trình lâu dài, phức tạp, vì vậy, mặc dù Chủ tịch nước đã có nhiều cố
gắng trong chỉ đạo thực hiện song kết quả công tác cải cách tư pháp trên một số
lĩnh vực còn hạn chế...
Năng lực dự báo còn hạn chế
Đối với báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ,
các ý kiến đã tập trung thảo luận về việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi
hành pháp luật; công tác chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế-xã hội; tổ chức bộ
máy, quản lý nền hành chính quốc gia; tổ chức và lãnh đạo công tác thanh tra,
kiểm toán, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng
phí; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự,
an toàn xã hội; việc phối hợp với các cơ quan khác của Nhà nước, các tổ chức
chính trị xã hội.
Nhiều ý kiến đánh giá mặc dù tình hình thế giới,
khu vực có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, kinh tế-xã hội trong nước gặp
nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã tổ
chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết của
Quốc hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của
Hiến pháp, pháp luật, góp phần tích cực vào việc bảo đảm phát triển kinh tế-xã
hội, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an
ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập
quốc tế, góp phần quan trọng tạo nên bước phát triển đáng ghi nhận trong đời
sống kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh,
báo cáo lần này đã tách bạch giữa đánh giá của Chính phủ và Thủ tướng Chính
phủ, cho thấy sự điều hành chủ động, linh hoạt và phối hợp giữa các chính sách
để kiểm soát tốt lạm phát, cơ bản ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối
lớn và đạt mức tăng trưởng khá cao trong 5 năm 2011-2015.
Nhiều ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ
khi đã thẳng thắn nhìn nhận năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục
tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ
chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng
chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.
ại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng do công tác
dự báo còn chưa tốt đã dẫn đến nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn không được
dự liệu trước, cụ thể như tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long,
gây nên khó khăn trong giải quyết. Đại biểu nhấn mạnh đây là những vấn đề cần
được rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý điều hành của Chính phủ thời gian
tới.
Đại biểu Hà Ngọc Chiến quan tâm tới vấn đề nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chất lượng tăng
trưởng...
Cơ bản giải quyết dứt điểm các vụ án oan, sai
Góp ý Báo cáo về công tác của các tòa án trong
nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng nhiệm kỳ qua, Tòa án Nhân
dân các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc triển khai thực hiện nghị
quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp, thi hành Hiến pháp 2013, Luật tổ
chức Tòa án nhân dân năm 2014, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa chủ
trương cải cách tư pháp của Đảng; hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân
các cấp. Tòa án Nhân dân Ttối cao đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục các hạn
chế thiếu sót trong công tác, nhất là công tác xét xử các loại vụ án.
Nhất trí với Báo cáo về công tác của các tòa án
trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cho rằng nhiệm kỳ qua, hai
ngành tòa án và kiểm sát đã giải quyết được một số vụ án oan, sai, góp phần bảo
vệ công lý, củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật;
điển hình như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang.
Đánh giá cao Báo cáo của Tòa án Nhân dân Tối
cao, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh nhiệm kỳ qua, các tòa án đã
triển khai sâu rộng việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, nên
chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên. Cùng với đó, công tác giải quyết đơn
đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, do đó đã tháo
gỡ được nhiều vụ án oan, sai.
Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, bên cạnh
những kết quả đã đạt được, hoạt động của các tòa án trong nhiệm kỳ qua còn một
số hạn chế, thiếu sót như: Một số tòa án chưa khắc phục triệt để việc để các vụ
án quá thời hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám
đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt cao như mong muốn.
Theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), các
đơn thư khiếu nại tuy có giảm, nhưng việc giải quyết các loại án, nhất là vụ án
dân sự còn chậm, để kéo dài, chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân.
Thảo luận về Báo cáo của ngành Kiểm sát nhân dân
nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các đại biểu cho rằng trong nhiệm kỳ qua, kết quả
thực hiện quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân
dân các cấp có nhiều chuyển biến tích cực, về cơ bản đạt và vượt nhiều chỉ
tiêu, yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội... Tuy nhiên, quá trình thực
hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát còn một số hạn chế, thiếu sót như
trách nhiệm công tố trong một số vụ án chưa tốt; chất lượng tranh tụng của kiểm
sát viên tại một số phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Một số đơn
vị của ngành kiểm sát chậm phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp
để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa...