Đàm phán cứu Hiệp ước INF giữa Nga – NATO không đạt tiến bộ

06/07/2019 - 16:19

Tổng thư ký Stoltenberg khẳng định NATO sẽ không từ bỏ nỗ lực thuyết phục Nga phá hủy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8.

Hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phê chuẩn đạo luật chấm dứt tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ, hôm qua Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương NATO mới đàm phán với Nga, để cứu vãn Hiệp ước này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán “muộn màng” cũng không thể đem lại sự tiến bộ.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters

Cuộc đàm phán diễn ra ngay tại trụ sở của NATO tại Brussels, Bỉ. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, hai bên đã không đạt được tiến triển quan trọng để cứu vãn Hiệp ước INF.
 

“Tất cả các thành viên của Hội đồng NATO-Nga đồng ý rằng, Hiệp ước rất quan trọng đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương. Nhưng Hiệp ước hiện đang gặp nguy hiểm, không có bất kỳ dấu hiệu đột phá nào và thời gian không còn nhiều nữa. Hôm nay, một lần nữa, NATO kêu gọi Nga tuân thủ đầy đủ và có thể kiểm chứng được đối với Hiệp ước”, ông Stoltenberg nói.

Mặc dù vậy, ông Stoltenberg cho biết, NATO vẫn không từ bỏ nỗ lực thuyết phục Nga phá hủy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mà theo NATO, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung cấm các tên lửa với tầm bắn, từ 500km đến 5.500km.

Cuộc đàm phán giữa Nga và NATO diễn ra sau 2 ngày khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký phê chuẩn đạo luật cho phép Nga chính thức ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Đạo luật trước đó từng được đích thân ông Putin đề xuất lên Hạ viện Nga bỏ phiếu, hôm 18-6 vừa qua, và được đa số nghị sĩ Nga ủng hộ. Tuy nhiên, theo đạo luật, Nga sẽ chỉ ngừng tuân thủ Hiệp ước INF và vẫn còn khả năng Hiệp ước có thể được khôi phục theo Quyết định của Tổng thống.

Trước đó, ngày 1-2-2019, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, Mỹ sẽ ngừng thực thi các nghĩa vụ trong Hiệp ước INF từ ngày 2-2 và rút khỏi hiệp ước này trong vòng 6 tháng nếu Nga không tuân thủ chặt chẽ các quy định đã thỏa thuận. Trước viễn cảnh 2 bên không giải quyết được bất đồng liên quan đến INF, nhiều khả năng Mỹ chính thức sẽ rút khỏi Hiệp ước này vào ngày 2-8 tới.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn. Trong nhiều năm qua, cả Mỹ và Nga nhiều lần cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận này, bất chấp sự phủ nhận của bên còn lại.

Việc INF đổ vỡ tiếp tục cho thấy mối quan hệ  căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Các chuyên gia và giới chức phương Tây lo ngại nguy cơ an ninh do châu Âu nằm trong tầm ngắm tên lửa tầm trung của Nga. Trong khi Nga  khẳng định, nước này không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng phải đảm bảo an ninh của nước này bằng cách kiềm chế các ý định gây hấn của NATO. Tuy nhiên, Nga vẫn luôn mở rộng cánh cửa đối thoại với các nước châu Âu về mọi vấn đề.

Nguồn: vov.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN