Dân biết, dân bàn… theo Pháp lệnh 34

26/03/2010 - 09:34
 Tọa đàm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã Sơn Đông (thành phố Bến Tre). Ảnh: P.Y

Theo đánh giá của UBND tỉnh, Pháp lệnh số 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn được nhiều địa phương thực hiện tốt theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đó là việc tổ chức cho dân học tập những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Quần chúng nhân dân được bàn để xây dựng hương ước, quy ước ấp văn hóa, các công trình giao thông nông thôn, họp bình xét hộ nghèo, tham gia đóng góp ý kiến đối với cán bộ, công chức. Nội dung “dân bàn” được các địa phương thực hiện tương đối tốt, dân hài lòng và đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Cụ thể như, trong giải phóng mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp, các công trình giao thông nông thôn, kéo đường điện, xây cầu… đã xuất hiện nhiều gương đáng biểu dương. Bởi, các hoạt động mà dân được biết, được bàn thì khi thực hiện, người dân sẽ làm rất tốt. Thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra thông qua các tổ chức đoàn thể, ban thanh tra nhân dân, tiếp xúc cử tri, nhân dân mạnh dạn phản ánh tiêu cực trong quá trình thực hiện các công trình ở cơ sở, thái độ, tác phong làm việc của một số cán bộ công chức. Đó chính là lúc người dân thể hiện vai trò kiểm tra của mình.
Qua thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, người đứng đầu cấp huyện và cấp xã thể hiện rõ trách nhiệm của mình trong lãnh đạo đảng viên, cán bộ, công chức tuân thủ đầy đủ quy trình, quy chế dân chủ. Trong đó, tác phong, lề lối làm việc của người đứng đầu có nhiều thay đổi; phương pháp quản lý hành chính chuyển dần sang dân chủ, công khai; kỷ cương pháp luật được tăng cường. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa thể hiện được tính công khai, minh bạch. Nhiều thủ tục đã được giải quyết nhanh, gọn, giảm bớt phiền hà, được nhân dân đồng tình.
Việc tổ chức hội nghị nhân dân theo định kỳ, các cuộc khảo sát, tọa đàm về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là điều kiện để đánh giá việc làm cũng như trách nhiệm của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với dân. Bên cạnh đó, việc phát động các phong trào thi đua yêu nước và xây dựng hương ước trong khu dân cư đã tác động tích cực đến hoạt động tự quản ở cơ sở. Hiện nay, quyền dân chủ của nhân dân được thể hiện rõ nét nhất trong những việc như: giúp nhau sản xuất, bàn và quyết định các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, hòa giải những mâu thuẫn nội bộ, xây dựng tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh - trật tự địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cấp ủy, đoàn thể chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ việc thực hiện Pháp lệnh số 34 về dân chủ ở cơ sở. Việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ có nơi, có lúc chưa đồng bộ, còn hình thức, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nội bộ cơ sở. Từ đó dẫn đến ý thức phục vụ nhân dân của một số cán bộ, công chức chưa cao, hiệu quả công tác thấp, lợi dụng chức quyền trong thi hành công vụ, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng còn một số ít người dân lợi dụng dân chủ để thắc mắc, khiếu nại, tố cáo cán bộ, công chức, làm mất đoàn kết nội bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đây cũng là vấn đề nan giải đối với chính quyền địa phương hiện nay.
Thực tế đã chứng minh những nơi cấp ủy, chính quyền nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn, coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì nơi đó được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, các phong trào cách mạng của địa phương phát triển mạnh.
Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Người đứng đầu phải quan tâm chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ gắn với việc thực hiện dân chủ công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, các loại phí, lệ phí và các quy định của pháp luật. Qua đó từng bước ngăn chặn tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở cơ sở và định kỳ có đánh giá kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Trên tinh thần này, năm nay, UBND tỉnh đề ra kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức và nhân dân hiểu sâu hơn về dân chủ; củng cố ban chỉ đạo các cấp, xây dựng quy chế và chương trình hoạt động, đảm bảo điều kiện và kinh phí hoạt động của các ban chỉ đạo; nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cấp, các ngành để phát hiện những trường hợp vi phạm dân chủ hoặc các biểu hiện làm mất dân chủ, mất lòng tin đối với quần chúng nhân dân; đồng thời kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi có dấu hiệu hối lộ, tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN