Chôn cất nạn nhân COVID-19 tại nghĩa trang ở Valle de Chalco, Mexico, ngày 4-6. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 6.823.151 ca, trong đó có 397.307 người thiệt mạng.
Các nước cũng ghi nhận 3.311.917 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 53.498 và 3.113.927 ca đang điều trị tích cực.
Xu hướng chung ở nhiều khu vực trên thế giới là đẩy mạnh hơn nữa các nỗ lực chuẩn bị nhằm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế, đặc biệt là mục tiêu mở cửa đường biên giới nội khối tại châu Âu từ 15-6. Trong khi đó, dịch tiếp tục diễn biến khó lường tại Mỹ, Nga, các nước Mỹ latinh và một khu vực "điểm nóng" mới là Nam Á, với Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang chứng kiến số ca bệnh mới tăng mạnh.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 14-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
WHO thay đổi hướng dẫn về đeo khẩu trang
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 5-6 đã thay đổi hướng dẫn về sử dụng khẩu trang phòng dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo rằng mọi người dân ở tuổi trên 60 hoặc có bệnh lý nền hãy đeo khẩu trang vải nếu không thể duy trì giãn cách xã hội. Trước đây, lưu ý tình trạng thiếu khẩu trang trên toàn cầu, WHO chỉ đề xuất các nhân viên y tế, người mắc COVID-19 và những người được họ chăm sóc mới cần đeo khẩu trang y tế.
Mỹ: Tổng thống Trump nhận định kinh tế sẽ phục hồi năm 2021
Ngày 5-6 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến một loạt vấn đề đối nội và đối ngoại của nước này. Ông Trump cho rằng đã đến lúc nước Mỹ đoàn kết cùng nhau tái thiết sau đại dịch COVID-19 và bày tỏ tin tưởng kinh tế Mỹ cũng sẽ sớm phục hồi vào năm 2021. Tổng thống Trump nhấn mạnh ở thời điểm hiện tại, chiến lược tốt nhất của Mỹ là tập trung vào các nguồn lực để ứng phó với dịch bệnh ở nhóm nguy cơ cao. Ông bày tỏ mong muốn các bang trong cả nước sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế để khôi phục các hoạt động kinh doanh và mở cửa trường học.
Máy bay chở thiết bị y tế của Mỹ, trong đó có máy trợ thở nhằm hỗ trợ Nga đối phó với dịch COVID, hạ cánh tại sân bay quốc tế Vnukovo, ngoại ô Moskva, ngày 21-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Xu hướng mở cửa lại tại Mỹ đã được phản ánh qua kết quả thống kê về việc làm, với việc nền kinh tế có thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng Năm và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống 13,3% (từ mức 14,7% trong tháng Tư) - theo số liệu của Cục Thống kê lao động Mỹ.
Cùng ngày, Thống đốc bang New York cho biết bang từng là điểm nóng dịch của nước Mỹ đang chứng kiến số ca mắc bệnh thấp nhất trong nhiều tuần qua. Trong ngày 5-6, số ca tử vong tại bang New York là 42 trường hợp, so với 800 ca tử vong cách đây 8 tuần. Trên toàn nước Mỹ đến hiện tại ghi nhận 1.952.443 ca mắc bệnh, tăng 28.392 ca trong 24 giờ qua; số ca tử vong là 111.338, tăng 1.165 ca và số người hồi phục là 718.718 trường hợp.
Ngày 5-6, Thị trưởng New York Bill de Blasio ngày 5-6 tuyên bố lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài đến ngày 8-6, ngày thành phố dự định mở lại một phần hoạt động, sau khi vẫn có hàng nghìn người tham gia biểu tình trên đường phố trong đêm 4-6. Làn sóng biểu tình lan rộng tại Mỹ đang dấy lên lo ngại lây lan dịch COVID-19, làm sụp đổ những nỗ lực kiểm soát dịch tại các địa phương.
Mỹ Latinh gia hạn các biện pháp phòng chống dịch
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã thông báo quyết định kéo dài biện pháp cách ly xã hội bắt buộc thêm 3 tuần, tới ngày 28-6. Tổng thống Fernandez cho biết việc kéo dài biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết vào thời điểm hiện tại, nhưng sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương để có thể từng bước nối lại các hoạt động thường nhật.
Phi hành đoàn kiểm tra trước hãng hàng không Wizz Air tại sân bay Liszt Ferenc _ở Budapest, Hungary, ngày 25-5. Ảnh: Bloomberg/Getty Images
Theo thống kê của cơ quan dịch tễ, đến hiện tại Argentina đã ghi nhận 21.037 ca nhiễm, trong đó có 632 ca tử vong.
Brazil tiếp tục một ngày ghi nhận tới 27.493 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh lên 643.363 trường hợp, bao gồm 34.954 ca tử vong (tăng thêm 915 ca trong 24 giờ qua). Nước này tiếp tục đứng thứ hai thế giới về số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và đứng thứ ba thế giới về số ca tử vong, chỉ sau Mỹ, Anh.
Chính phủ Peru tuyên bố kéo dài thêm 90 ngày tình trạng khẩn cấp y tế để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch trong bối cảnh đã trở thành quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Quyết định trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Peru kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30-6. Tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã ghi nhận tổng cộng 187.400 ca nhiễm và 5.162 ca tử vong.
Tại Chile, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 4.207 ca nhiễm mới và 92 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 122.499, bao gồm 1.448 ca tử vong.
Người dân đi thuyền tại Venice, Italy, ngày 29-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Châu Âu mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng 6
Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của Liên minh châu Âu (EU) Ylva Johansson ngày 5-6 cho biết EU sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới nội khối vào cuối tháng này và bắt đầu mở cửa biên giới ngoại khối trong tháng sau. Bà Johansson cho biết phần lớn chính phủ các nước trong EU sẽ đồng loạt dỡ bỏ kiểm soát biên giới nội khối vào ngày "D-Day Mới" 15-6, song một số nước khác đợi đến cuối tháng này. Như vậy mọi hoạt động kiểm soát biên giới giữa các nước EU được dỡ bỏ hoàn toàn vào cuối tháng Sáu.
Hành khách tại sân bay Heathrow ở London, Anh ngày 22-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, nhóm 10 công ty hàng không châu Âu, chuyên chở 720 triệu hành khách mỗi năm, đang chuẩn bị thử nghiệm các biện pháp an toàn do Cơ quan An toàn hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đề xuất nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh các sân bay và hãng không bắt đầu mở cửa lại.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 29-5-2020. Ảnh: THX/TTXVN
Tại CH Séc, chính phủ nước này đã khai thông hoàn toàn các tuyến đường giữa Séc, Áo và Hungary từ 12h00 ngày 5-6 (giờ địa phương) sau khi tham khảo ý kiến các nước liên quan. Bên cạnh đó, từ ngày 5-6, máy bay từ các quốc gia trong EU đã có thể hạ cánh tại tất cả các sân bay của nước này với điều kiện kiểm tra dịch tễ học.
Tại Thụy Điển, những người không có triệu chứng mắc bệnh COVID-19 có thể đi lại trong nước từ ngày 13-6 tới, nhưng phải tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, không được phép tập trung đông người, không nên di chuyển khi có triệu chứng mắc bệnh và bất kỳ ai có triệu chứng mà có kế hoạch đi lại cần phải tiến hành xét nghiệm. Chính phủ Thụy Điển đưa ra quyết định trên sau khi số ca mắc bệnh giảm và nhiều khu vực tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Thụy Điển vẫn duy trì các biện pháp hạn chế khác, gồm cấm sự kiện tập trung hơn 50 người và tất cả những khuyến nghị đối với người trên 70 tuổi.
Đan Mạch thử nghiệm robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Ecowatch/TTXVN
Trong khi đó tại Anh, các nhà khoa học đã ngừng các cuộc thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19 sau khi các kết quả thử nghiệm cho thấy hiệu quả bằng 0.
Nga: Số ca nhiễm mới chưa có dấu hiệu giảm
Ngày 5-6, Nga thông báo ghi nhận 8.276 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 449.834 ca và 5.528 ca tử vong, tăng 144 ca so với một ngày trước. Thủ đô Moskva, địa phương chịu tác động mạnh nhất trên cả nước, ghi nhận tổng cộng 191.069 ca mắc bệnh, trong đó có 1.855 ca mới trong 24 giờ qua. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin cho biết hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan sẽ được dỡ bỏ trước ngày 1-7 tới.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm nghiên cứu y học quốc gia ở Moskva, Nga ngày 15-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhật Bản đặt mục tiêu giữa 2021 lưu hành vắc-xin phòng COVID-19
Nhật Bản đặt mục tiêu đưa vào lưu hành các loại vaccine phòng bệnh COVID-19 vào tháng 6-2021, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực chuẩn bị để đăng cai Olympic Tokyo 2020 vốn theo kế hoạch diễn ra mùa Hè này nhưng đã bị lùi lại một năm do dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato tuyên bố chính phủ nước này sẽ đảm bảo hoạt động thông suốt của các cơ sở sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19, song song với thúc đẩy phát triển các loại vaccine này.
Robot hỗ trợ nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân mắc COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản ngày 30-4-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông thường, các nhà máy sản xuất vaccine ở Nhật Bản chỉ được bố trí hoạt động sau khi kết thúc thành công quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản đã tạo điều kiện sản xuất đại trà vắc-xin ngay khi có thể thông qua chương trình trợ cấp các hãng sản xuất dược phẩm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 125 loại vắc-xin phòng ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn cầu, trong đó 10 loại đang được thử nghiệm trên người.
Trung Quốc: Bắc Kinh hạ mức độ khẩn cấp y tế cộng đồng
Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết sẽ hạ mức phản ứng khẩn cấp y tế cộng đồng từ cấp 2 xuống cấp 3 khi thành phố tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 thấp. Theo đó, kể từ ngày 6-6, Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ hạn chế vào thành phố đối với các cư dân tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch ban đầu, nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, toàn bộ khách quốc tế tới Bắc Kinh sẽ phải làm xét nghiệm và cách ly theo dõi 14 ngày.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 28-5-2020. Ảnh: Yonhap/ TTXVN
"Tâm dịch" Nam Á tiếp tục căng thẳng
Các nước khu vực Nam Á gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh đang chứng kiến con số ca lây nhiễm bệnh tăng mạnh theo từng ngày. Ấn Độ tăng thêm 9.471 ca trong ngày 5-6, trong khi Pakistan cũng chứng kiến thêm 3.985 ca, Bangladesh 2.828 ca, nâng tổng số ca bệnh tại các nước này lên lần lượt là 236.184, 89.249 và 60.391.
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân mắc COVID-19 tới khu vực hỏa táng tại New Delhi, Ấn Độ ngày 3-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại khu vực Đông Nam Á, lần đầu tiên sau gần 3 tháng qua, các đền thờ trên khắp thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại trong ngày 5-6, trong bối cảnh thành phố này dần nới lỏng lệnh phong tỏa một phần bất chấp số ca mắc bệnh COVID-19 tại đất nước có dân số chủ yếu theo đạo Hồi này tiếp tục tăng mạnh.
Các đền thờ và các nơi thờ tự, cầu nguyện đã nối lại hoạt động sau khi Thống đốc Jakarta ngày 4-6 tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó các văn phòng, nhà hàng, trung tâm mua sắm và các địa điểm du lịch sẽ mở cửa trở lại trong những tuần tới.
Người dân cầu nguyện tại đền thờ Al Azhar ở Jakarta, Indonesia ngày 5-6-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Indonesia là quốc gia Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19, hiện đã ghi nhận 29.521 ca mắc bệnh, bao gồm 1.770 ca tử vong.
Trong khi đó, khoảng 60% số hộ gia đình tại Singapore sẽ nhận thêm những lợi ích bổ sung nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Những lợi ích này bao gồm trợ cấp tiền mặt bổ sung từ các quỹ hỗ trợ khắc phục hậu quả dịch của chính phủ. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore, Heng Swee Keat cho biết các hỗ trợ bổ sung sẽ tương đương 12% thu nhập trung bình của hộ gia đình.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore ngày 15-5-2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 5-6, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 giảm mạnh so với một ngày trước đó, chỉ tăng 261 ca so với trên 500 ca trong ngày 4-6. Như vậy nước này hiện ghi nhận 37.183 ca bệnh, trong đó có 24 ca tử vong và 9.443 người đã hồi phục.
Cơ quan thống kê của Philippines (PSA) cùng ngày cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4 đã tăng đến mức kỷ lục 17,7%. Nói cách khác, ít nhất 7,3 triệu người đã mất việc làm trong tháng này do dịch COVID-19. Philippines hiện ghi nhận tổng cộng 20.626 ca mắc COVID-19, trong đó 987 ca tử vong.
Người dân xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Manila, Philippines, ngày 4-6-2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Trong khi đó, ngày 5-6, Thủ tướng Malaysia Muhyddin Yassin đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế ngắn hạn với 40 sáng kiến trị giá 35 tỷ RM (8,2 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Châu Phi kêu gọi giúp đỡ
Ngày 5-6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ cho sáng kiến Hợp tác đẩy mạnh chiến dịch xét nghiệm COVID-19 tại châu Phi (PACT), trong bối cảnh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng tại châu lục với 1,3 tỷ dân này. Sáng kiến PACT do Liên minh châu Phi (AU) khởi xướng hiện được xem là phương thức duy nhất để ứng phó với dịch COVID-19 tại Lục địa Đen, đặc biệt khi các ca lây nhiễm mới không ngừng tăng cao trong thời gian gần đây.
Tới hiện tại, các quốc gia châu Phi đã xét nghiệm cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/1 triệu người, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 37.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Italy và 30.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Anh. Châu Phi hiện ghi nhận 163.599 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.611 trường hợp tử vong và 70.894 người đã khỏi bệnh.
Nguồn: Báo Tin tức