Đổi mới sáng tạo - “chìa khóa” cho sự phát triển của doanh nghiệp

11/10/2023 - 05:15

BDK - Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh hiện đang trong giai đoạn chuyển từ hoạt động KN thoát nghèo sang KN đổi mới sáng tạo (ĐMST). UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch về phát triển mới 5 ngàn DN và xây dựng 100 DN dẫn đầu, với quan điểm then chốt là kết nối mọi nguồn lực, tạo lập môi trường thuận lợi nhất để hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm mới và nhanh chóng phục hồi phát triển.

Các doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo để cho ra nhiều sản phẩm mới và nhanh chóng phục hồi phát triển.

Tạo động lực then chốt

Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, ĐMST, thúc đẩy KN và phát triển DN là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế. Theo PGS. TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 37%, vượt 112,1% so với cả năm. Có 9 DN khoa học công nghệ. Hỗ trợ bảo hộ 10 kiểu dáng công nghiệp bao bì sản phẩm; 30 bộ nhận diện sản phẩm; 150 ngàn tem nhãn hỗ trợ sản xuất…, góp phần tạo điều kiện tốt nhất cho các DN hoạt động và phát triển cả về chất và lượng, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, xúc tiến thị trường; năng lực hội nhập kinh tế quốc tế.

Để quy tụ nguồn lực hỗ trợ KNĐMST, tỉnh đã thành lập và vận hành Không gian ĐMST Mekong thuộc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN - đơn vị tiên phong trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ KN sáng tạo, thực hiện ươm tạo, hỗ trợ cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho DN KNĐMST của tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, các hoạt động tại không gian đều hướng đến chủ đề về ĐMST và chuyển đổi số.

Các hoạt động truyền thông, hỗ trợ đều hướng đến mục tiêu chung,  nhằm nâng cao năng lực cho các thành phần hệ sinh thái và nâng cao năng suất, chất lượng cho các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm. Một số hoạt động được tổ chức thường niên có thể kể đến như: chuỗi sự kiện thuộc Ngày hội KNĐMST tỉnh “Ben Tre Innovation Day” do UBND tỉnh chủ trì; Chương trình ươm tạo KN sáng tạo, họp mặt KN định kỳ do Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN tổ chức; các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng KNĐMST các cấp…

Xác định việc hỗ trợ thanh niên KN là nhiệm vụ trọng tâm trong Chương trình công tác Đoàn, Hội và phong trào thanh thiếu nhi, những năm qua, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh không ngừng đổi mới tổ chức triển khai nhiều chương trình, hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần KN cho thanh niên và đồng hành với thanh niên KN theo cách mới, sáng tạo.

Sở Công Thương cũng đã triển khai hỗ trợ trên 100 đề án đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến phát triển sản xuất với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng, nhằm khuyến khích DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, từng bước tiến tới tự động hóa và sản xuất thông minh. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong DN.

Tháng 7-2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích, hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Đây được xem là cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ cho các dự án KN với hàng loạt chính sách đặc thù riêng của tỉnh.

Chủ động đổi mới sáng tạo

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Văn Đức - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dừa BEINCO, ĐMST là việc tạo ra và sử dụng tri thức mới phù hợp về công nghệ, về quản lý, về thị trường mới làm tăng giá trị cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Tại mỗi DN, việc thúc đẩy ĐMST cũng được hiểu là việc gắn các sáng kiến, sáng chế về khoa học công nghệ với tác động tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Những sáng chế, sáng tạo cũng là đòn bẩy giúp DN tăng cường hội nhập, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là sự khác biệt giữa giá trị từ ĐMST so với những giá trị khác mà DN dễ dàng nhận ra.

Hưởng ứng phong trào ĐMST của tỉnh, Công ty cổ phần Đầu tư Dừa BEINCO đã tham dự cuộc thi, với dự án “Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ dừa - Dây chuyền sản xuất sữa dừa đóng chai thủy tinh”. Dự án do công ty làm chủ đầu tư hoàn toàn phù hợp với chủ trương và định hướng phát triển ngành dừa của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. “Việc ra đời các sản phẩm từ dừa của Công ty cổ phần Đầu tư Dừa BEINCO với việc đầu tư các thiết bị thế hệ mới, hiện đại từ châu Âu, công nghệ chế biến tiên tiến, sản phẩm chất lượng cao và được chuẩn hóa, góp phần nâng cao và phát triển chuỗi giá trị dừa, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho DN”, ông Trần Văn Đức cho hay.

Cũng theo ông Đức, cơ hội cho KNĐMST hiện nay là trong tỉnh có nhiều tổ chức, hiệp hội là nơi giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh như: Hiệp hội DN, Hiệp hội Ngành nghề, Hội Doanh nhân trẻ, Hội Nữ doanh nhân, Hội Doanh nhân cựu chiến binh. Đồng thời, trong thời đại phát triển công nghệ hiện đại và thông tin đa dạng, chính công nghệ giúp cho DN tiên phong trên thị trường và cho địa phương phát triển.

Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của khoa học công nghệ và ĐMST đối với sự phát triển của địa phương trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc, xem đây là “chìa khóa” để tỉnh chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống, vốn dựa vào lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên, sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và ĐMST. Phát triển DN ĐMST là một trong những mục tiêu hàng đầu, giải pháp, động lực nhằm đưa tỉnh đến năm 2045 phát triển về hướng Đông, có nền kinh tế phát triển tiên tiến và theo hướng bền vững, tạo môi trường sống lý tưởng cho người dân.

“DN ngày nay có thể “đi tắt đón đầu” thông qua ĐMST, cải cách mô hình quản lý. Đồng thời, mở rộng năng lực áp dụng công nghệ mới, thế hệ mới; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Nội tại DN cần chú trọng trau dồi và hỗ trợ các nhóm khác nhau trong đội ngũ nhân sự. Đổi mới là một quá trình mang tính chất đột phá, đòi hỏi các tổ chức và nhân sự phải hiểu rõ hơn về những vấn đề hiện tại và loại bỏ những lối mòn trong tư duy. Một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình đổi mới là tạo ra môi trường cho phép các cá nhân sáng tạo và đưa ra ý kiến không đồng thuận, cũng như hỗ trợ họ về mặt tâm lý khi phải đưa ra ý kiến. Cần lưu ý rằng, đổi mới thường chỉ thực sự diễn ra khi DN phải đối mặt với trở ngại, còn hành lang quy định trong và ngoài nước sẽ giúp xác định mức độ đổi mới thể chế”.

(Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Trần Văn Đức -
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Dừa BEINCO)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN