Triển khai các giải pháp trong liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long

18/11/2024 - 05:26

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đã đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL. Kết quả mang lại đang từng bước giúp địa phương khai thác tối đa tiềm năng, vị thế và xây dựng tỉnh thành một điểm sáng trong phát triển bền vững tại ĐBSCL.

Tỉnh có chiều dài bờ biển hơn 65km, tuyến đường bộ ven biển tỉnh nối tỉnh với Tiền Giang và Trà Vinh hiện đang được đẩy nhanh tiến độ.

Thu hút đầu tư

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển vùng ĐBSCL, ngày 10-10-2022 Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 26-CTr/TU để cụ thể hóa và triển khai thực hiện. Chương trình này được xem là “kim chỉ nam” định hướng các mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đảm bảo tiến độ và hiệu quả cao nhất.

Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tại tỉnh đã tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến nghị quyết rộng rãi đến các chi bộ, đảng bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đáng chú ý, trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tỉnh đã triển khai nhiều sáng kiến trong công tác lãnh đạo. Điển hình là phong trào thi đua “Đồng khởi mới” giai đoạn 2024 - 2025. Đây là phong trào thi đua nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền, đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, từ khi nghị quyết được triển khai, tỉnh đã ghi nhận những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã đẩy mạnh các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Đến nay, có 9/19 dự án điện gió đã đi vào hoạt động, với tổng công suất khoảng 365,9MW, đóng góp tích cực vào lưới điện quốc gia. Tỉnh đang nghiên cứu và đề xuất các dự án sản xuất hydro xanh, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch trong tương lai.

Các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh như Giao Long I, II và KCN An Hiệp đã được lấp đầy 100%. 7 cụm công nghiệp (CCN) được thành lập, với tổng diện tích 267,94ha; trong đó 3 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động, với 22 dự án đăng ký, tổng vốn khoảng 5.020,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.453 lao động.

Hiện tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án cơ sở hạ tầng KCN Phú Thuận để thu hút đầu tư thứ cấp. Kết quả đến nay, có 22 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào KCN Phú Thuận, với tổng diện tích đất đăng ký 156/167,68ha xây dựng nhà máy, xí nghiệp (chiếm 85% diện tích đất có khả năng cho thuê) và 4 nhà đầu tư tìm hiểu đầu tư cảng Phú Thuận.

Hoạt động xúc tiến đầu tư được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024, tỉnh đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác, với tổng mức đầu tư gần 303 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn tiếp hơn 280 đoàn nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần thu hút đáng kể vốn FDI và vốn đầu tư trong nước cho các dự án trọng điểm. Đây là bước tiến lớn trong thu hút và huy động nguồn lực để phát triển tỉnh theo hướng hiện đại.

Kết nối giao thông

Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong năm 2024, tỉnh đã lồng ghép với việc thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 21-4-2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội năm 2024 và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm về giao thông, nông nghiệp và xúc tiến đầu tư đã được triển khai quyết liệt, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong liên kết vùng ĐBSCL.

Tỉnh đang tích cực thi công các công trình giao thông liên vùng, các dự án giao thông trọng điểm đang được tỉnh ưu tiên thực hiện, nhằm kết nối hiệu quả với các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Công trình cầu Rạch Miễu 2 và tuyến đường bộ ven biển nối Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh hiện đang được đẩy nhanh tiến độ, đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Đồng thời, tỉnh đang xúc tiến các dự án kết nối như: cầu Ba Lai 8, cầu Cổ Chiên 2 và cầu Đình Khao, tăng cường liên kết giao thương, tạo nền tảng phát triển bền vững.

Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai sâu rộng. Toàn tỉnh có 119/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình chuyển đổi số tại tỉnh được thực hiện quyết liệt, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến.

Nhận thức được vai trò của hợp tác phát triển, tỉnh đã tham gia nhiều thỏa thuận hợp tác với các tỉnh lân cận và các tổ chức quốc tế. Liên kết vùng ĐBSCL, liên kết tiểu vùng duyên hải phía Đông với Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và các thỏa thuận ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) được đẩy mạnh. Các chương trình hợp tác này không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nền tảng bền vững trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kiến nghị ưu tiên nguồn vốn

Với những định hướng rõ ràng và các giải pháp đồng bộ, tỉnh đã và đang trở thành điểm sáng về phát triển bền vững, góp phần quan trọng vào quá trình đưa vùng ĐBSCL trở thành một khu vực kinh tế năng động, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước đến năm 2045.

Tuy nhiên, việc thực hiện các nhiệm vụ này còn một số khó khăn. Đặc biệt, ở các dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn hoặc chờ đợi các hướng dẫn từ cơ quan Trung ương. Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Trúc Sơn, để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh kiến nghị các cơ quan Trung ương tiếp tục hỗ trợ và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển, cầu Rạch Miễu 2, cầu Cửa Đại. Các dự án này không chỉ là động lực cho tỉnh mà còn giúp kết nối liên vùng, thúc đẩy thương mại và kinh tế ĐBSCL.

Tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét và có cơ chế ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Trung ương cho các dự án liên tỉnh, liên vùng, hỗ trợ đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng xương sống cho vùng đã có định hướng trong quy hoạch (như giao thông, hệ thống cảng, thủy lợi...). Đặc biệt, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh Tuyến đường bộ ven biển (kết nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng), nhằm tạo đòn bẩy, động lực cho vùng ĐBSCL phát triển nhanh trong thời gian tới.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã kiến nghị Chính phủ tăng cường vai trò điều phối của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, hỗ trợ nguồn vốn để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Qua đó, nâng cao hiệu quả liên kết, thúc đẩy phát triển vùng nhanh chóng và bền vững.

Nằm ở trung tâm ĐBSCL, tỉnh có địa hình đa dạng với hệ thống sông ngòi chằng chịt và chiều dài bờ biển hơn 65km. Đặc biệt, với diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước và các sản phẩm nông sản đặc trưng, ngành nông nghiệp phát triển mạnh, kết hợp cùng kinh tế biển đang trở thành điểm sáng cho nền kinh tế tỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN