Dây chuyền công nghệ chiết tách dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt của Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Ảnh: PV
Đổi mới sáng tạo địa phương
Khoản 16 Điều 3 Luật KH&CN năm 2013 quy định: “ĐMST là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”. Cấu phần của hệ thống ĐMST địa phương đóng góp tăng năng suất cơ bản như sản phẩm và quá trình mới, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, cấu trúc DN, quy mô DN, quá trình hội nhập, tổ chức trung gian tài chính, các công ty dựa trên công nghệ mới, nhu cầu và cạnh tranh, chính sách, R&D từ Nhà nước, nguồn nhân lực, tích tụ R&D.
Về vai trò của các loại hình DN hệ thống ĐMST địa phương: Nhóm các DN dẫn đầu có vai trò dẫn dắt các DN vệ tinh, DN phụ trợ, DN khởi nghiệp; nhóm DN nhỏ và vừa tập trung vào việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ; nhóm DN KH&CN, DN công nghệ cao hoạt động chủ yếu thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, li-xăng; nhóm DN khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng tăng trưởng nhanh dựa trên việc khai thác tài sản trí tuệ.
Hoạt động ĐMST chính trong DN góp phần tăng năng suất như đổi mới sản phẩm, nghiên cứu phát triển các hàng hóa, dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể liên quan đến đặc điểm, mục đích sử dụng. Tập trung thực hiện phương pháp sản xuất hoặc phân phối mới hoặc được cải tiến. Đổi mới tổ chức và quản lý chủ yếu cải thiện sự hài lòng tại nơi làm việc, tiếp cận các công cụ cải tiến năng suất, giảm chi phí vật tư. Đổi mới mô hình kinh doanh là hình thành và phát triển DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; kết nối các thành tố trong hệ thống ĐMST, kết nối cung cầu công nghệ.
Hình mẫu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp
Thực tiễn ĐMST ở tỉnh cơ bản tập trung vào việc tăng hiệu quả và năng suất cho các DN, các tổ chức sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thông qua cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa con người, thiết bị và hệ thống quản lý.
Điển hình của việc đổi mới sản phẩm trong DN là sản phẩm nước dừa đóng lon, đặc biệt là nước dừa đóng hộp như dừa trái mà không cần dùng đến chất bảo quản. Nước dừa sau khi được chế biến vẫn giữ mùi vị, màu sắc tự nhiên, giá trị dinh dưỡng vốn có; nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống. Hoặc sản phẩm bánh hoa dừa được sản xuất từ cơm dừa có phối trộn các nguyên liệu sẵn có với các hương vị tự nhiên, riêng có của tỉnh như bánh hoa dừa vị dừa, sầu riêng, cacao đã định hình thương hiệu riêng biệt, có giá trị cao gấp nhiều lần so với sản phẩm trước đó.
Đổi mới công nghệ ấn tượng nhất là nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng thành công quy trình công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt quy mô công nghiệp 300 lít/giờ được áp dụng tại Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới. Công nghệ này áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam và đã tạo ra sản phẩm có chất lượng, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 4 lần so với dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần so với dầu dừa thô.
Đổi mới mô hình kinh doanh là hình thành và phát triển DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên tài sản trí tuệ, nổi trội là từ việc được phép khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Bò Ba Tri”. Tháng 4-2019, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Mỹ Chánh đã thu hút 200 thành viên tham gia với số vốn điều lệ lên đến 10 tỷ đồng, trở thành điển hình trong việc thực hiện hợp đồng dịch vụ cung cấp đầu vào giảm 5 - 10% tùy từng loại dịch vụ và mua lại đầu ra tăng 10% cho thành viên của HTX so với thị trường bên ngoài. Thị trường tiêu thụ đã được mở rộng ra các tỉnh phía Bắc. Doanh thu đạt 45 tỷ đồng, cao nhất nhì trong 136 HTX trên địa bàn tỉnh; có đóng góp thuế và chia lợi tức cho cổ đông.
Đặng Văn Cử