Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi phát biểu tại hội trường về việc đóng góp xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) chiều 22-11-2023.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bến Tre bày tỏ sự đồng tình về việc cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập qua 8 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014, đồng thời thể chế hóa các nghị quyết (NQ) của Đảng về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Đồng thời, đại biểu cũng phát biểu đóng góp một số ý kiến góp ý đối với Dự thảo Luật.
Thứ nhất, về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND: Tại điểm b, khoản 2, Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Khi thực hiện quyền tư pháp, Toà án có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật”. Tại Điều 26 có quy định cụ thể nội dung này thì bên cạnh việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì TAND có nhiệm vụ xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy sẽ gây áp lực rất lớn cho TAND các cấp vì hiện nay số lượng vụ án, vụ việc đã là quá nhiều, tính chất thì ngày càng phức tạp, trong khi biên chế, nguồn lực của ngành Toà án còn hạn chế. Và theo Báo cáo số 551/BC-CP ngày 13-10-2023 của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 thì các bộ ngành, địa phương trên toàn quốc trong năm qua đã xử phạt vi phạm hành chính 5.658.725 vụ việc. Nếu giao thêm nhiệm vụ giải quyết, xét xử vi phạm hành chính này cho Toà án thì sẽ thiếu tính khả thi. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét lại quy định này cho phù hợp với thực tế, khả năng triển khai thực hiện của ngành Tòa án. Hơn nữa, nếu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Toà án là giải quyết, xét xử vi phạm hành chính thì phải sửa trước các nội dung này trong các Luật như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố tụng hành chính… rồi mới bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, xét xử vi phạm hành chính vào dự thảo Luật Tổ chức TAND. Còn nếu làm ngược lại thì các quy định sẽ không đồng bộ, khó khả thi.
Thứ hai, về tổ chức TAND, tại khoản 1, Điều 4 dự thảo Luật quy định: Tổ chức của TAND bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và Toà án quân sự. Như vậy, TAND cấp huyện, cấp tỉnh hiện nay sẽ được thay bằng TAND sơ thẩm và phúc thẩm. Qua tờ trình của TAND tối cao thì sự thay đổi này nhằm mục đích bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Tuy nhiên, nghiên cứu về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể tại các điều luật cho thấy vẫn không khác gì nhiều so với luật hiện hành. Các Tòa án này vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Nhìn chung, sự thay đổi này chỉ là ở tên gọi, còn nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong, cơ chế lãnh đạo của cấp ủy đảng, giám sát của cơ quan dân cử địa phương, quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan... thì vẫn được thực hiện theo quy định hiện hành. Và có một chi tiết nghe qua rất vô lý, đó là Toà án cấp phúc thẩm nhưng vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền. Đại biểu cho rằng sự thay đổi này chỉ là “bình mới - rượu cũ”. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm, nếu cần phải đổi mới thì phải đổi mới một cách toàn diện và thực chất, còn nếu chưa đủ điều kiện, thiếu tính khả thi thì nên giữ như quy định của luật hiện hành.
Thứ ba, về cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, tại khoản 1, Điều 15 dự thảo Luật quy định: “Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Đây là một trong những điểm mới nổi bật trong sửa đổi lần này. Để đóng góp cho Dự thảo Luật này, vừa qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý trong Đoàn, cũng như các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia trên lĩnh vực này. Và cũng như nội dung thể hiện qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đối với vấn đề này hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất bày tỏ lo ngại việc giao cho người dân, đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ như vậy sẽ rất khó thực hiện, bởi vì hiện nay ngay cả Tòa án thu thập chứng cứ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị chậm trễ trong việc cung cấp tài liệu hoặc cung cấp không đầy đủ, thậm chí không cung cấp mặc dù đã có văn bản yêu cầu của Tòa án. Nếu giao cho người dân trách nhiệm này thì sẽ còn gặp khó khăn hơn, từ đó, dẫn đến chậm trễ cho việc giải quyết, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện trình độ dân trí, sự am hiểu pháp luật của người dân như hiện nay thì nên giữ như quy định Luật Tổ chức TAND 2014 là “Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của luật tố tụng”.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần khẳng định việc thu thập và cung cấp chứng cứ trong vụ án dân sự là trách nhiệm của các bên tham gia tố tụng, không phải là trách nhiệm của Tòa án, Tòa án của nhiều quốc gia trên thế giới đều thực hiện như vậy. Trước đây, trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ là của người tham gia vụ kiện, nhưng đến Luật Tổ chức TAND năm 2014 lại quy định giao về cho Tòa án.
Từ khi thực hiện nhiệm vụ này, cán bộ Tòa án gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết các vụ án, có trường hợp những người có liên quan chống đối, không cho thu thập chứng cứ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của cán bộ, trong khi cán bộ của Tòa án đã phải giải quyết rất nhiều công việc tại Tòa. Hơn nữa, việc Tòa án thu thập chứng cứ rồi đánh giá chứng cứ sẽ không đảm bảo tính khách quan. Pháp luật cũng đã có quy định về việc các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử, do đó, cần xử lý nghiêm các cơ quan chậm cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, chứ không lấy việc các cơ quan chậm hoặc không cung cấp tài liệu, chứng cứ để làm lý do giao trách nhiệm này cho Tòa án, vì nhiệm vụ của Tòa án là xét xử, còn trách nhiệm này là của đương sự, muốn bảo vệ quyền lợi của mình, muốn thắng kiện thì phải có trách nhiệm cung cấp chứng cứ để chứng minh.
Theo đại biểu, đây là nội dung rất quan trọng và có tác động rất lớn trong lần sửa đổi này. Vì vậy, đại biểu đề nghị TAND tối cao có báo cáo đánh giá tác động, giải trình làm rõ thêm vấn đề nêu trên để ĐBQH và người dân có thể an tâm hơn với đề xuất của Tòa án về giao trách nhiệm thu thập, cung cấp chứng cứ cho các bên.
Tin, ảnh: Nguyễn Định