Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại điểm bầu cử ở Baarle-Nassau, Hà Lan, ngày 6-6-2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Thomas Gössl, một quan chức bầu cử ở bang Bavaria (Bayern), cho biết lũ lụt gần đây ở khu vực miền Nam nước Đức có thể ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu bầu cử khi khiến một số tòa thị chính ở các khu vực không thể sử dụng được.
Nhiều người dân bị mất giấy tờ bầu cử do lũ lụt nên cần chính quyền địa phương cấp mới. Ngoài ra, một số điểm bỏ phiếu cũng cần phải được di dời.
Bất chấp những khó khăn này, ông Gössl vẫn tự tin rằng cuộc bầu cử có thể được tiến hành gần như bình thường.
Có 34 chính đảng ở Đức, trong đó có 9 đảng mới tham gia lần đầu, sẽ chính thức tham gia cạnh tranh tổng cộng 96 ghế trong Nghị viện châu Âu, nhiều nhất trong số các quốc gia thành viên EU, trong cuộc bầu cử ngày 9/6.
Các cuộc thăm dò ở Đức cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trung hữu có nhiều khả năng giành chiến thắng lớn nhất. Nhưng đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng ở vị trí cao trong các cuộc thăm dò, mặc dù đang vướng vào lùm xùm pháp lý. Đảng AfD đang đặt mục tiêu giành được 20 trong tổng số 96 ghế dành cho Đức.
Gần 5 triệu người ở Đức sẽ lần đầu tiên đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu lần này. Năm nay, một số lượng lớn thanh niên sẽ có tiếng nói trong định hướng chính sách châu Âu nhờ sự thay đổi về độ tuổi bầu cử ở Đức, cho phép người đủ 16 tuổi được quyền bỏ phiếu.
Nghị viện châu Âu được bầu 5 năm một lần. Cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên được tổ chức vào năm 1979 và là cuộc bầu cử xuyên quốc gia lớn nhất thế giới.
Tại Đức, hơn 66 triệu công dân EU đủ điều kiện bỏ phiếu. Trong toàn liên minh, khoảng 350 triệu người được quyền đi bầu.
Ở Đức, Bỉ, Malta và Áo, công dân EU từ 16 tuổi trở lên có thể bỏ phiếu, trong khi ở Hy Lạp và 18 ở các quốc gia thành viên khác, độ tuổi tối thiểu để có quyền đi bầu là 17.
Nguồn: Vietnam+