Bia tưởng niệm cuộc thảm sát học sinh ở Trường Tiểu học Linh Phụng (xã Long Mỹ) được xây dựng mới từ nguồn vốn ngân sách huyện kết hợp xã hội hóa.
Các công trình bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân, di tích lịch sử văn hóa được xây dựng mới hoặc trùng tu, tôn tạo như đình Bình Hòa, đền thờ Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, đền thờ cụ Tán Kế (Lê Quang Quan), bia tưởng niệm cuộc thảm sát học sinh ở Trường Tiểu học Linh Phụng… đã góp phần bảo tồn, phát huy, giáo dục truyền thống lịch sử của quê hương.
Vận động cộng đồng tham gia
Đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện có 11 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng (4 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh). Tiêu biểu như: mộ và đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Bình Hòa, ngôi nhà ông Nguyễn Văn Trác - nơi ở và làm việc của đồng chí Lê Duẩn từ tháng 11-1955 đến tháng 3-1956… Bên cạnh đó, còn có nhiều công trình bia tại những địa điểm gắn với các sự kiện lịch sử có ý nghĩa tiêu biểu về truyền thống cách mạng của địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các cơ sở tín ngưỡng dân gian gồm 24 ngôi đình, 12 ngôi miếu, 17 ngôi miễu đã và đang được phục hồi lệ cúng truyền thống theo sự kế thừa của thành viên ban khánh tiết. Huyện còn có 2 làng nghề truyền thống thu hút du khách đến tham quan, tạo được nguồn thu cho người dân địa phương.
Theo quy hoạch tổng thể đến năm 2020, trên địa bàn huyện còn nhiều công trình bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân, di tích lịch sử cần được xây dựng mới hoặc trùng tu, tôn tạo để phát huy có hiệu quả giá trị. Với yêu cầu đó, cùng “chung tay” với nguồn ngân sách huyện, tỉnh cho lĩnh vực di sản, hầu hết các công trình xây dựng mới, trùng tu được thực hiện với nguồn kinh phí vận động xã hội hóa. Lãnh đạo huyện có sự quan tâm, tranh thủ sự hỗ trợ từ hội đồng hương, gặp gỡ những người con quê hương Giồng Trôm đang làm ăn và sinh sống ngoài tỉnh để vận động hỗ trợ. Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện cũng tham gia ủng hộ tùy theo quy mô công trình.
Thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin, đến nay, huyện có nhiều công trình xây mới, trùng tu tôn tạo bằng hình thức vận động xã hội hóa 100% hoặc nguồn ngân sách huyện kết hợp vận động xã hội hóa. Có thể kể đến như: đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống (xã Tân Hào) khánh thành năm 2009, kinh phí trên 4 tỷ đồng; đền thờ cụ Tán Kế ở xã Châu Hòa khánh thành năm 2013, kinh phí 1,9 tỷ đồng ngân sách huyện 83 triệu đồng, còn lại là xã hội hóa; đền thờ Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (xã Thạnh Phú Đông) khánh thành năm 2014, kinh phí trên 2,45 tỷ đồng, ngân sách huyện 950 triệu đồng, còn lại xã hội hóa... Hiện tại huyện đang xây dựng công trình bia tưởng niệm đường dây giao liên A210, kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, vận động 100% vốn xã hội hóa.
Tiếp tục phát huy giá trị di tích
Truyền thống cách mạng, các di tích lịch sử văn hóa gắn với tham quan làng nghề có thể xem là điểm nhấn trong du lịch của huyện. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện xây dựng kế hoạch nhằm phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Theo đó, chú trọng bảo vệ, giữ gìn và khai thác có hiệu quả các di tích đã được công nhận, các cơ sở tín ngưỡng dân gian; bảo tồn các loại hình nghệ thuật và diễn xướng dân gian, phục hồi loại hình trò chơi dân gian. Đồng thời phát triển bền vững các làng nghề truyền thống nhằm phục vụ giáo dục truyền thống, quảng bá du lịch và phát triển kinh tế.
Việc xây dựng mới các đền thờ danh nhân để thờ cúng khang trang còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh. Các trường tổ chức đưa học sinh đến tham quan, học tập, sinh hoạt ngoại khóa tại các di tích để các em hiểu biết thêm lịch sử quê hương. Vì vậy, việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo các công trình bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân, di tích lịch sử gắn với những hoạt động thiết thực.
Theo nhận định từ phía huyện, vấn đề khó khăn hiện tại trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các công trình bia, tượng, tượng đài, đền thờ danh nhân, di tích lịch sử trên địa bàn huyện là không có quỹ đất để thực hiện các công trình. Còn nhiều vị trí nơi diễn ra sự kiện lịch sử nhưng qua khảo sát không có đất trống để thực hiện công trình. Ví dụ, theo quy hoạch, dự kiến xây dựng bia chiến thắng tại nơi diễn ra sự kiện chiến thắng đánh sập cầu Bình Chánh hay sự kiện chiến thắng tại ngã ba Sơn Đốc, nhưng tại đây không có quỹ đất công, hoặc là đất ở của người dân, mốc lộ giới nên chưa có giải pháp thực hiện.
Thời gian tới, phát huy hiệu quả đạt được từ hình thức vận động xã hội hóa, huyện Giồng Trôm tiếp tục tranh thủ mọi nguồn lực cho công tác xây dựng, trùng tu, tôn tạo hệ thống bia, tượng, tượng đài, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện, chính quyền địa phương tạo điều kiện mời gọi sự phối hợp, hỗ trợ từ cộng đồng, xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản và gắn với đầu tư phát triển dịch vụ du lịch của địa phương.
Huyện đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh hệ thống bia, tượng, tượng đài, di tích lịch sử, văn hóa (từ 60 - 70%). Đầu tư để các công trình, các di tích trở thành nơi giáo dục về lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước cho học sinh, thanh thiếu niên. Từ đó, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cho người dân về bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng