Trên những chuyến xe khách đường dài tựa mũi kim xâu chuỗi những tỉnh lỵ miền Tây, đôi lần bạn thức giấc, trong nhập nhoạng chiều tà hoặc khuya xa, hãy còn lơ tơ mơ ngái ngủ, tự hỏi không biết xe đã đến đâu, bạn cố định vị mình bằng dòng địa chỉ ne nép bên dưới những bảng hiệu trưng ra ở bên đường, rồi hai chữ nọ lướt qua khiến nhận thức bạn mù đi một thoáng. Châu Thành. Lúc bạn thiếp đi cũng đang qua Châu Thành, giờ vẫn Châu Thành khi tỉnh giấc. Như thể chiếc xe không đi được bao xa, như thể mớ chiêm bao trùng điệp vừa rồi chỉ xảy ra trong khoảnh khắc. Hôm nào có thêm mưa dự phần thì cái ý nghĩ bạn đang mắc kẹt ở Châu Thành thêm phần sâu sắc, chữ trên bảng hiệu thì nhòa, bạn đâu thể phân biệt được mưa này với mưa khác - nắng và đêm tối thì có thể căn được độ đậm nhạt theo giờ - cũng như không làm sao tách bạch những nơi chốn tên gọi Châu Thành.
Cũng chợ đông, những hàng quán thấp ven đường xen những ngôi nhà nhún nhường sau khoảng sân bày vài ba chậu kiểng và bàn thờ thông thiên, đằng sau cái lớp, vẻ như thị thành được tráng mỏng đó là những khu vườn vú sữa hoa lợp kín tàng, những mương vườn nổi trôi thứ dừa chuột khoét lẫn với bèo tai tượng, những con kinh nước chảy kín đáo, những ngã rẽ vừa hiện ra đã thận trọng lẩn vào rặng cây, để nói về những Châu Thành, dù là của Sóc Trăng, An Giang hay Bến Tre, bạn dễ sa đà vào miêu tả cảnh, thứ cảnh sắc quen thuộc của miệt châu thổ Mê Kông. Chỉ vị trí thì Châu Thành có chút đặc biệt, ít ra là với bạn. Một chỗ bên lề, phụ cận ngay cạnh thành phố trung tâm tỉnh lị, chừng như Châu Thành nào cũng vị trí đó, ánh đèn đô thị hắt sáng lên nó, âm thanh đô thị ì ầm vọng tới, mùi bơ tỏi lẫn nước hoa đô thị thoảng lại, ở khoảng cách mươi phút xe máy, nhưng nó vẫn rời ra, vẫn bầu khí quyển có gì đó hắt hiu. Chợ chưa đến, quê chưa khỏi, qua một Châu Thành hẳn khách lạ có lần tự hỏi cái vẫy tay của nó, là từ biệt hay đón chào.
Qua Châu Thành, bạn hay nhớ lời mấy bài hát cũ, “đây ngoại ô nhạt ánh đèn khuya/ đèn vàng hiu hắt soi/ con đường mờ mờ bóng mưa”, hay “ngoại ô đây con đường tắm trăng vàng”, không hiểu sao lại nghĩ dòng nhạc đó hợp với cái nơi chốn kiểu vầy hơn mọi chỗ nào. Bởi sự tranh tối tranh sáng giữa quán xá bên đường cái và vườn ruộng đằng sau chúng, nơi hơi ấm con người vừa đủ để tụ tập đêm trước giỗ thằng bạn thân chết trẻ, lại trống trải vừa đủ cho một gã say hát rống trên đường về sau đám cưới cô gái gã thầm thương. Cũng có thể bởi mối liên kết chủ quan dẫn dắt, vào thời vàng son nhất của dòng nhạc hắt hiu này, cũng là quãng ở miền Nam cái tên Châu Thành rộ lên, giăng mắc. Sự hiện diện dày đặc đến nỗi như một bí ẩn cần phải giải mật, dù chẳng có bí mật nào, cái tên chỉ vài ba nghĩa, hoặc “nơi đặt lỵ sở của địa hạt”, hoặc “thành thị, thành phố”, hoặc “những làng xã vây quanh tỉnh lị”. Sự dày đặc của Châu Thành hồi ấy, như tư liệu cũ ghi lại, khiến bạn mường tượng ai cũng mắc vào những mắt lưới của chúng ít nhất một lần. Có người thoát được, có kẻ không. Nhưng cả khi thoát khỏi, một vài cái vảy ký ức vẫn nằm lại chốn tên gọi Châu Thành, nơi một đêm anh lỡ đường nhận được tô cơm nguội ăn kèm dưa mắm, nơi chiếc xe đạp xẹp bánh được tụi con nít xúm lại nhồi rơm vô chạy đỡ, nơi một đoạn chi bị lạc mất sau loạt pháo mồ côi, nơi người vú em để lại đứa con còn hôi sữa, nơi xe lam chạy tuyến cố định đi về, xuất xứ những thang thuốc nam trị vàng da, quê của một cô gái xa nhà đêm nào nằm gác đầu nơi đất khách kể chuyện, nơi đứa em trai còn lạc nẻo… Thể nào thì, trong đời sống của người dân Nam Bộ những tháng năm biến động ấy, cái tên Châu Thành cũng nhiều dịp lăn ra đầu lưỡi của mỗi người, ai cũng có mắc mớ ít nhiều, cũng nghe quen thuộc cả khi chưa từng tới. Ẩn mình vào mùi của sề rau húng lủi, cần rừng, vào mớ khúc lạp xưởng tươi, những đòn bánh tét còn ấm nóng, bao thứ mà chuyến xe thổ mộ mang theo vào hừng đông, vào cọng rạ dưới đế giày của người ven đô, vào chất giọng rụt rè, khiêm tốn, Châu Thành tùy lúc tùy nơi mà đậm nhạt giữa đời.
Từng có quãng những Châu Thành bỗng vắng đi, nơi chốn được gọi bằng những cái tên khác, hoặc có ý nghĩa nào đó, hoặc như bạn đoán, là một chi tiết cần có trong hành trình lột vỏ, thoái bỏ triệt để quá khứ. Những bảng hiệu được viết lại, thông tin trên giấy tờ tùy thân thay đổi nhưng trong tâm tưởng của người già họ vẫn là dân Châu Thành, dù cái tên mới có hay ho, dễ nhớ. Rồi địa danh Châu Thành quy hồi, cũng ào ạt như khi nó biến mất, đúng theo cách của sóng, rời bờ rồi lại vỗ vào bờ. Người ta đếm sương sương giờ miền Tây có tận mười một Châu Thành cấp huyện lị, ấy là chưa kể những thị trấn, những cái chợ, cây cầu, con rạch cùng tên. Châu Thành lại giăng lên, chẳng cách nào né tránh.
Cả khi bạn là người lạ, lần đầu tới miền sông, vẫn vướng vào nỗi tò mò, không biết Châu Thành là tên vị anh hùng dân tộc, hay có ý nghĩa đặc biệt nào mà xứ cưng chiều vậy, không kể địa danh này vào danh sách “đặc sản” của miền Tây chẳng phải thiếu sót sao. Và khi bạn tra thông tin trên mạng, giải tỏa tò mò là lúc bạn ra khỏi Châu Thành. Nhưng nếu là người quen, có thể bạn không bao giờ rời khỏi nơi mình đã từng có những buổi chiều ngồi với người bạn già thông thái hay kể chuyện đời bắt đầu bằng “hồi chú mười bảy tuổi, chừng sáu mươi năm trước đây thôi…”, bên ấm trà lạt rồi lại đậm, ngấn nắng lang thang khắp nhà trước khi tắt ngấm; cũng chính Châu Thành ấy bạn nhận cái vẫy tay chào lần cuối của người bạn trạc tuổi mình, và đứa con trai non nớt của anh ấy chỉ sau giỗ đầu cha đã để râu, phì phèo thuốc lá, chừng như nó đã phải lớn thật nhanh để trở thành người đàn ông trụ cột trong nhà, lấp mình vào chỗ trống hư vô quá lớn. Châu Thành mà bạn vẫn chưa trả nổi món nợ chữ cho một người bạn thuần lương ca bolero cực mùi, người nói về quãng đời chìm nổi, lầm than tận đáy bằng chất giọng bông phèn, tếu táo hết sức, đem nỗi đau mình hóa thành tiếng cười, chiết nhục nhằn thành câu chuyện vui cho bè bạn, tuyệt không than thở kể lể, nhưng bởi chính cái tinh thần ấy chữ nghĩa bạn khó mà lột tả nổi.
Và trên những chuyến xe khách đường dài đi dọc suốt một miền Tây, qua nơi chốn nào mang tên Châu Thành cũng thấy mình nấn ná, như thể bạn không phải là kẻ lạ qua đường, bạn đã từng và vẫn đang ở đó.