Anh Kỳ Trân - Chủ tịch Hội
đồng quản trị Công ty mỹ phẩm Lan Hảo không xa lạ với nhiều người cũng như
thương hiệu Thorakao đứng trong top 100 nước có sản phẩm chất lượng cao bấy lâu
nay. Thorakao có mặt trong nước từ những năm 60 của thế kỷ trước và có nhiều mặt
hàng chăm sóc sắc đẹp được nước ngoài ưa chuộng. Thế mạnh của công ty là nghiên
cứu, phát minh, sáng chế ra những loại sản phẩm gần với thiên nhiên. Có thể kể
đến các loại mỹ phẩm được chiết xuất từ nghệ, sả, gấc, bột ngọc trai, bưởi, cà
rốt, cà chua… Không chỉ gói gọn trong quy trình khép kín từ sản xuất đến thị
trường đơn thuần, anh Kỳ Trân còn lồng vào đó triết lý kinh doanh, phương châm
hoạt động rất vị nhân sinh. Đây cũng là một trong những lý do khiến anh trung
thành với hàng loạt sản phẩm, thậm chí ở thì tương lai, thân thiện với thiên
nhiên, là tinh chất thảo mộc, nhằm mục tiêu cao nhất và cuối cùng là nâng niu sức
khỏe người Việt.
Trong hằng hà sa số đó,
anh Kỳ Trân trăn trở, phải chú trọng sản phẩm từ dừa. Theo nhiều chuyên gia, xà
bông từ dừa tốt hơn từ các loại khác. “Trong tương lai, sẽ trả lại nguyên bản
xà bông 72 phần dầu”. Không những vậy, anh Kỳ Trân còn suy nghĩ cách để dừa
phát huy hết công năng, kể cả phần tro dừa. Tâm huyết ấy của cựu học sinh Trường
THPT Nguyễn Đình Chiểu ngày nào không chỉ là nói cho vui. Kỳ Trân là người đa
năng. Kiến thức chuyên sâu về hóa học, dược, kinh tế, lẫn… điện tử rất hữu dụng
trong việc tìm tòi, tìm ra hướng đi mới của anh. Từ số ít sản phẩm ban đầu, đến
nay Thorakao đã có trên một trăm sản phẩm các loại trong lĩnh vực chăm sóc sức
khỏe, sắc đẹp đã nói lên điều đó.
Anh Huỳnh Kỳ Trân (thứ ba, từ phải sang) và chị Hà Thị Cẩm Vân (thứ ba, từ trái sang) nhận hoa chúc mừng tại lễ ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28-11-2015. Ảnh: H. Hiệp
Nói đến Bến Tre, đầu
tiên là nghĩ ngay đến dừa. Đối với người làm ăn như anh, đó phải là những vùng
nguyên liệu được thiết kế một cách bài bản; được sản xuất đồng chuẩn; ổn định để
hợp tác. Khi đó, con đường đến với việc đa dạng sản phẩm từ dừa sẽ thênh thang
hơn. “Nếu bỏ ngỏ điều này sẽ rất uổng”. Trên 20 năm nghiên cứu chiết xuất tinh
dầu từ cây cỏ, anh đã tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Biết bao thế hệ sinh ra,
trưởng thành, đều có những khoảnh khắc nhớ quay nhớ quắt khi thốt lên: “Tôi
lớn lên đã thấy dừa trước ngõ... Tôi hỏi nội tôi, dừa có tự bao giờ” (Lê
Anh Xuân). Nặng nợ với dừa. Những sản phẩm “bí mật” của anh rồi cũng sẽ được “bật
mí”, nhưng có một điều tôi phải nói ngay là suy nghĩ được như thế, quyết tâm
như thế thì Kỳ Trân không chỉ đưa ra những sản phẩm đơn thuần, mà đó là sự đóng
góp công sức đáng kể để cùng tỉnh nhà, cùng đội ngũ doanh nhân Bến Tre tôn vinh
cây dừa - một “loại cây của cuộc sống” đã đi sâu vào tâm hồn của mỗi người. Kết
thúc một câu chuyện, sẽ có nhiều câu chuyện mới mở ra. Tôi tin vậy khi nhìn vào
ánh mắt quyết đoán của doanh nhân Kỳ Trân. Giờ, tôi cũng như những người dân
yêu mến Bến Tre đang chờ đợi sự ra đời của bộ sản phẩm từ dừa mới của Kỳ Trân.
Ước mơ bến
tre có trường đại học
“Tôi là giáo viên chuyên
ngành tiếng Anh - tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Ngày xưa,
tôi vừa đi dạy ban đêm, ban ngày làm việc cho các tập đoàn nước ngoài” - chị Hà
Thị Cẩm Vân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên An Phú mở đầu câu chuyện khi
nhắc lại cơ duyên đến với cái nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin hiện
nay. Vì có vốn tiếng Anh nên ban đầu chị xin làm thư ký, sau đó được đào tạo
chuyển sang Marketing - Sales và chị tích cực hoạt động ở lĩnh vực này. Sự tích
cực hoạt động của chị vào thời điểm đó đã được một trong những người lãnh đạo rất
giỏi của ngành công nghệ thông tin Việt Nam chú ý. Vị lãnh đạo này mời chị về
làm Sales - Marketing Manager, chuyên phụ trách các dự án công nghệ thông tin của
TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ở những ngày đầu bước
vào lĩnh vực công nghệ thông tin, chị không khác gì học sinh lớp Một, phải loay
hoay tự học, phải mày mò từng chút một… Tuy nhiên, nhờ có vốn tiếng Anh nên chị
tiếp cận các giáo trình công nghệ thông tin bằng nguyên bản khá dễ dàng. Có đi
đâu, làm gì, lúc nào chị cũng kè kè bên mình những giáo trình này để khi rảnh
thì vùi đầu vào học, trên cơ sở đó áp dụng vào thực tiễn.
Ngày thì làm việc, mỗi
đêm chị đều phải thức đến 2, 3 giờ sáng cho việc đọc và nghiên cứu tài liệu...
Dần dà, chị đâm ra đam mê và yêu thích công nghệ thông tin. Vào thời điểm đó,
công nghệ thông tin còn là một ngành xa lạ ở nước ta. Chị vốn thích khám phá những
cái mới mẻ, thích lao vào những môi trường làm việc đầy thách thức để chứng tỏ
mình. Và chị thích truyền tải đi sự yêu thích của mình đến với người khác, thuyết
phục được người khác chấp nhận những giải pháp của công ty đưa ra. Dần dần qua
đó, chị cũng hoàn thiện được những kỹ năng của chính mình như: có cái nhìn tổng
quan về dự án, phân tích hiệu quả đầu tư, phân tích giá trị gia tăng trên từng
giải pháp; am hiểu rõ về công nghệ, tư vấn cho khách hàng biết ưu và nhược điểm
của từng dòng sản phẩm...
Sau 26 năm rời xa quê
hương, ngày nay, chị thấy Bến Tre đã thay đổi và phát triển rất mạnh về giao
thông và hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn; cơ sở vật chất cũng khang
trang hơn trước, nhiều tài năng ở các lĩnh vực đã và đang làm việc tại tỉnh
nhà... Đây cũng là niềm tự hào của những người con Bến Tre. Nhưng vì sao Bến Tre
đến nay chưa có trường đại học? Đó cũng là điều băn khoăn của các anh chị Hội Đồng
hương Bến Tre, CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh và người dân xứ Dừa.
Với vai trò thành viên
Ban Đào tạo, Phó Ban Công tác xã hội CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP. Hồ Chí Minh
và vốn kiến thức, kinh nghiệm thực tế, chị sẽ phối hợp cùng các anh, chị trong
CLB tham gia truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức giúp cho các thế hệ sinh viên trẻ,
định hướng giúp các em hiểu rõ hơn trong việc chọn ngành nghề, chuẩn bị một bước
“tiền kinh nghiệm” trước khi bước vào môi trường làm việc... Theo chị, đây một
bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời của các em.
Chia sẻ về việc hoạt động
từ thiện, chị cho biết: “Tôi xuất thân từ vùng quê Thành Triệu, huyện Châu
Thành, một vùng giải phóng thời kháng chiến nên sau chiến tranh lại thuộc diện
xã gặp nhiều khó khăn nhất. In đậm trong ký ức tuổi thơ tôi là những ngôi nhà
lá tạm bợ, những con đường lầy lội vào mùa mưa và những người nông dân một nắng,
hai sương trên đồng…”. Sau này, khi sống giữa thành thị, thỉnh thoảng những ký ức
về làng quê nghèo của chị sống dậy với những nỗi niềm. Chị thấy mình phải góp
phần làm một việc gì đó, dù nhỏ nhưng có nghĩa với quê hương, với con người
quanh ta còn lắm nghịch cảnh, khó khăn. Dần dần, chị đến với những chương trình
thiện nguyện lúc nào không hay. Giờ đây, chị thấy mình sống có ý nghĩa hơn khi
tham gia công việc giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn,
trẻ em mồ côi...
Trong vai trò là Trưởng
Ban công tác xã hội CLB Doanh nhân Sài Gòn (trước đây); hiện nay là Phó Chủ tịch
Chi hội Từ thiện Trái Tim Vàng - trực
thuộc Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Hồ Chí Minh, chị đã phối hợp với chính
quyền địa phương; các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm thường xuyên tổ chức
nhiều chuyến khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho người nghèo, xây nhà tình
thương, xây cầu, xây đường nông thôn, hỗ trợ học bổng, giúp những gia đình
nghèo có người bệnh nặng… tại các huyện trong tỉnh.
Nhân dịp Tết Nguyên đán
Bính Thân, Chi hội từ thiện Trái Tim Vàng sẽ tổ chức tặng 200 phần quà cho bà
con nghèo tại xã Thành Triệu.