Ảnh minh họa. (Nguồn: TVP World)
Ngày 21-4, Hạ viện Cộng hòa Séc đã thông qua dự luật, trong đó quy định chi ít nhất 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho ngân sách quốc phòng hằng năm, đảm bảo nguồn tài chính ổn định cho các dự án quốc phòng đắt đỏ nhằm hiện đại hóa quân đội.
Dự luật nhận được sự ủng hộ của liên minh cầm quyền và cả từ phe đối lập lớn nhất trong Hạ viện - phong trào ANO của cựu Thủ tướng Andrej Babis.
Là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Cộng hòa Séc đã nhiều lần đưa ra các cam kết chính trị tăng chi tiêu quốc phòng lên ít nhất 2% GDP.
Dự thảo luật vừa được Hạ viện Séc thông qua sẽ có hiệu lực từ tháng Bảy tới và áp dụng cho ngân sách nhà nước trong tài khoá 2024. Theo kế hoạch ngân sách trung hạn, ngân sách dành cho Bộ Quốc phòng Séc có thể tăng thêm 21,5 tỷ CZK (khoảng 1 tỷ USD) trong năm tới.
Ngoài ngân sách cho Bộ Quốc phòng Séc, chi tiêu của các bộ, ngành khác cũng có thể được tính vào tổng chi tiêu quốc phòng của đất nước. Các khoản chi này phải đáp ứng các giới hạn theo quy định của NATO.
Luật mới cũng thay đổi quy định về cấp vốn cho các dự án có quy mô trên 300 triệu CZK (khoảng 14 triệu USD) kéo dài nhiều năm và có tác động lớn đến khả năng quốc phòng của đất nước.
Quy định cụ thể sẽ do chính phủ Séc quyết định, trong khi Bộ Quốc phòng nước này có thể sử dụng ngân sách cho các dự án một cách thuận lợi hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Jana Cernochova nhấn mạnh cam kết chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP rất quan trọng để xây dựng nền quốc phòng của Cộng hòa Séc trong điều kiện mới.
Trong khi đó, phe đối lập lớn thứ hai tại Hạ viện Séc là đảng Dân chủ Trực tiếp (SPD) cho rằng việc đặt chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP là không hợp lý, có thể tác động tới thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia.
Theo đại diện của SPD, nhà nước nên tập trung giúp đỡ người dân và các doanh nghiệp do tình hình lạm phát cao hiện nay.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+