|
Giờ học tiếng Pháp của lớp 12 song ngữ. Ảnh: TH.H |
Mục tiêu ưu tiên của hợp tác song phương giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực ngôn ngữ là duy trì giảng dạy tiếng Pháp lâu dài ở Việt Nam, trọng tâm có việc đẩy mạnh duy trì chương trình “Dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp” (tên thường gọi là chương trình song ngữ tiếng Pháp).
Chương trình giáo dục này được thực hiện bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Tổ chức Hợp tác đại học cộng đồng Pháp ngữ (AUF), trong đó AUF là bên tài trợ. Bến Tre là một trong những tỉnh tham gia triển khai chương trình này rất sớm, từ năm 1993, đến nay vẫn còn duy trì. Sau gần 17 năm tồn tại và phát triển, chương trình song ngữ tiếng Pháp (SNTP) của tỉnh được đánh giá là chương trình có chất lượng giáo dục tốt, mang lại hiệu quả cao.
Những năm đầu, chương trình SNTP thu hút rất đông phụ huynh cho con em đăng ký thi tuyển ở cả hai khối: lớp 1 (lộ trình A) và lớp 6 (lộ trình B), tỷ lệ chọi khá khắc nghiệt. Chương trình chỉ mở hai lớp một với số lượng 30 học sinh/lớp, nhưng có tới hơn 200 thí sinh dự tuyển, lớp 6 cũng tương tự vậy. Điều này cho thấy đầu vào của các lớp này được sàng lọc kỹ, đảm bảo khả năng học đến cuối chương trình. Trước năm 2006, tổ chức AUF hỗ trợ toàn bộ kinh phí hoạt động cho chương trình: trả lương, các khoản phụ cấp giảng dạy cho giáo viên; sau năm 2006 thì chuyển giao cho ngân sách nhà nước trả lương, phụ huynh không phải đóng học phí, học sinh được cấp phát sách giáo khoa. Thầy cô đều phải qua kỳ thi tuyển với những tiêu chí gắt gao để có thể tham gia giảng dạy chương trình SNTP. Bến Tre có khoảng 20 giáo viên song ngữ, tất cả đã được tu nghiệp tại Pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy khoa học, hợp lý nên học sinh song ngữ có chất lượng học tập cao hơn. Điều này thể hiện qua kết quả các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của chương trình: năm 2007 có 78% học sinh đỗ tốt nghiệp, 2008 có 100% đỗ tốt nghiệp, năm 2009 có 94% tốt nghiệp. Học sinh song ngữ, sau khi hoàn thành chương trình học tập ở bậc phổ thông trung học, sẽ trải qua 2 kỳ thi tốt nghiệp là: kỳ thi chung với các học sinh theo chương trình bình thường và kỳ thi tốt nghiệp dành riêng cho học sinh song ngữ. Các em sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, chứng chỉ tốt nghiệp THPT chương trình song ngữ (có giá trị như chứng chỉ C Pháp ngữ) do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp và một chứng chỉ Pháp ngữ BAC do Đại sứ quán Pháp cấp (tương đương bằng DELF B2, có giá trị quốc tế). Chứng chỉ BAC là một trong những yếu tố quan trọng để học sinh có được suất học bổng hay thị thực nhập cảnh vào Pháp. Do chương trình song ngữ quy định mỗi lớp chỉ từ 30-35 học sinh nên các em được thầy cô giảng dạy, hướng dẫn kỹ và tốt hơn so với các em ở những lớp bình thường. Mặt khác, chương trình đòi hỏi giáo viên dạy chuyên sâu cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết; đồng thời, học sinh còn được trang bị kiến thức văn hóa tổng quát về cộng đồng Pháp ngữ, dạy Toán và Lý bằng tiếng Pháp, từ đó học sinh song ngữ sau 12 năm, hoặc 7 năm học sẽ có được kỹ năng giao tiếp, nền tảng kiến thức phổ thông bằng tiếng Pháp vững vàng, phục vụ được cho việc du học tại các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Hàng năm, tỷ lệ học sinh của lớp song ngữ du học tại Pháp rất cao, khoảng 50%.
Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tính đến nay, tỉnh có 50 em tốt nghiệp chương trình song ngữ đang là du học sinh tự túc tại Pháp thuộc nhiều ngành học được xem là thời thượng như: kiến trúc, công nghệ hóa, công nghệ sinh học, toán-tin học, kinh tế-quản trị, y khoa, xây dựng… Hướng phát triển cho các em song ngữ không chỉ ở việc đi du học nước ngoài mà ngay cả việc tiếp tục học tập lên bậc cao hơn ở trong nước cũng rất đa dạng và thuận tiện. Các em có thể chọn hình thức du học tại chỗ (Đại học Quốc gia TP.HCM đã triển khai); hoặc thi vào các trường tổ chức thi đầu vào bằng tiếng Pháp (khối D3) như: ĐH Sư phạm TP. HCM, Luật TP.HCM, Ngoại thương Hà Nội và ở các trường: ĐH Nông lâm, Bách khoa, Y dược… Học sinh song ngữ của tỉnh được tuyển thẳng hoặc đậu vào ĐH đạt tỷ lệ rất cao.
Tuy hướng phát triển cho học sinh học chương trình SNTP rộng, nhưng những năm gần đây số phụ huynh cho con em theo học đang giảm. Lớp 1 và lớp 6 không thể mở được trong hơn 7 năm qua do số lượng đăng ký quá ít. Hiện nay chỉ còn 6 lớp song ngữ, từ lớp 7 đến lớp 12. Số lượng học sinh cũng không còn đầy đủ như năm đầu vào học, có nhiều em chuyển ra khỏi chương trình song ngữ. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt-giáo viên song ngữ nhận xét: Chương trình song ngữ cũng hơi nặng đối với những em có học lực trung bình, bởi các em phải học song song hai chương trình: tiếng Việt và tiếng Pháp, thời lượng ngoại ngữ là 12 tiết/tuần. Mặt khác, tiếng Pháp hiện nay không được ưa chuộng bằng tiếng Anh nên cũng ít người chịu đầu tư cho con em theo học. Để khắc phục những hạn chế trên, năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch giáo dục mới cho chương trình song ngữ áp dụng trong phạm vi cả nước, bắt đầu từ năm học 2010-2011. Theo đó, chương trình giảng dạy song ngữ tiếng Pháp sẽ giảm thời lượng, giảm môn học bằng tiếng Pháp; đưa vào môn tiếng Anh, biến môn Vật lý bằng tiếng Pháp thành môn tự chọn (học môn này hoặc môn tiếng Anh); nâng cao chất lượng giáo dục song ngữ theo chất lượng của chứng chỉ DELF B2. Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre đang chuẩn bị tuyển sinh để mở lại lớp 1 song ngữ trên tinh thần tự nguyện tham gia của phụ huynh học sinh. Hy vọng rằng những nỗ lực của ngành giáo dục sẽ vực dậy được một chương trình giáo dục có chất lượng tốt – chương trình song ngữ tiếng Pháp.
Tiếng Pháp, tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai của 181 triệu người trên thế giới và cũng là thứ tiếng được lựa chọn sử dụng trong cộng đồng Pháp ngữ (O.I.F) liên kết 56 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam (gia nhập năm 1970). Theo ước tính, trong số hơn 85 triệu dân Việt Nam có khoảng 470 ngàn người nói tiếng Pháp, tương đương khoảng 0,55% dân số. Tiếng Pháp là ngôn ngữ đứng thứ hai sau tiếng Anh nếu xét về số lượng người học.
|